CÁI DAO SỨT CHUÔI - Chuyện thật như đùa của Nguyễn Quốc Minh.
22.08.2010 06:32
|
TUYỂN TẬP THƠ VĂN NGUYỄN QUỐC MINH (NGÀY ĐÊM) |
Cụ già tối sầm ánh mắt : - Tôi là thương binh. Hai anh trai là liệt sỹ. Vợ chết rồi. Ba thằng con lập gia đình và có con cả rồi. Sau khi cái dự án gì gì ấy, đất vườn mất sạch. Chúng nó kéo nhau vào KonTum làm thuê trồng cà phê, cao su. Chúng nó gọi tôi vô. Tiền đâu mà vô. Thôi. Già . Không biết làm gì. Đành đi mài dao kéo nuôi thân vậy. Nhờ cái dao sứt chuôi mà tôi có chổ ngồi đây kiếm sống !
Chuyện thật như đùa của Nguyễn Quốc Minh :
CÁI DAO SỨT CHUÔI
Chiều chiều,khi đường phố chưa bật đèn, tôi lại đi bộ. Trước đồn công an của phường,một cụ già trên 70 ngồi mài dao kéo. Mỗi lần đi qua, tôi lại nao nao bắt gặp ánh mắt hiền từ của cụ. Người cụ gầy quắt. Bộ râu dài trắng đục của cụ đầy bụi. Cụ còm lưng mài cái dao mà cụ vẫn mài, cái dao bị sứt đằng chuôi. Không một bóng khách. Sau một tua đi bộ, quay trở lại, nhiều khi tôi vẫn thấy cụ ngồi đó dưới ánh đèn mờ đục trước đồn công an. Hôm nay, như thường lệ, khi đi qua chổ cụ, tôi mừng thấy cụ có khách hàng. Ngồi cạnh cụ là một phụ nữ khoảng trên 55 tuổi, với mấy con dao Thái. Cụ già ngước mắt chào tôi . Tôi ngồi xuống gần cụ. Con dao sứt chuôi nằm xớ lớ. Thân còm của cụ lắc lư theo hai bàn tay miết con dao trên phiến đá mài. Người phụ nữ thành đô niềm nở : - Mấy lâu nay, thấy cụ ngồi đây chỉ mài có một con dao. Ông cụ cười : - Cái chị này. Thợ mài dao mà không mài thì ai qua đây họ để ý. À, thì ra là vậy, tôi như cởi được trói : - Cụ ơi ! Mỗi dao cụ mài là bao nhiêu ? Ngày cụ kiếm đủ ăn không ? Cụ già hài hước : - Trừ cái công mài không cho cái dao sứt chuôi này thì mỗi dao lấy giá bốn ngàn đồng. Có ngày kiếm vài chục ngàn, có ngày chỉ ngồi mài không. Nhìn cái xe đạp cà tàng, người phụ nữ hỏi: - Cụ già rồi, đi xe đạp thế, liệu có về đến nhà với vợ con và các cháu an tâm không. Cụ già tối sầm ánh mắt : - Tôi là thương binh. Hai anh trai là liệt sỹ.Vợ chết rồi. Ba thằng con lập gia đình và có con cả rồi. Sau khi cái dự án gì gì ấy, đất vườn mất sạch. Chúng nó kéo nhau vào KonTum làm thuê trồng cà phê, cao su. Chúng nó gọi tôi vô. Tiền đâu mà vô. Thôi. Già . Không biết làm gì. Đành đi mài dao kéo nuôi thân vậy. Nhờ cái dao sứt chuôi mà tôi có chổ ngồi đây kiếm sống ! Người phụ nữ, chia sẻ, nói rõ to, sợ cụ già không nghe trong tiếng xe hơi chạy: - Về quê, tôi thấy mấy ông bà có chức có quyền họ giàu sụ lên ghê lắm. Họ lập dự án. Họ chia lô. Họ dùng quyền lực để có lô đất ngon. Ghi tên, sau đó bán lại cho người khác. Tiền nhiều, họ lại ra Đô thành mua các căn hộ. Mua mười họ bán lại một trăm cho người khác. Người khác mua một trăm lại bán cho người khác một ngàn. Nên giá nhà, đất tăng vù vù. Còn công an, nghe một tý là nổ súng bắn vào dân. Tôi nói thêm : - Vụ công an đập chết một thanh niên ở đồn công an Hai Bà Trưng, Hà Nội, ở Thái Nguyên. Ở Bắc Giang dân kéo tới giật đổ cổng UBND tỉnh vì tội công an đánh chết một thanh niên chỉ vì không đội mũ bảo hiểm. Bắn chết một thiếu niên 12 tuổi ở Thanh Hóa. Bắn vào đùi nữ sinh viên ở Thái nguyên. Dựng hiện trường giả, bắt oan, nhốt tù mười năm ba thanh niên ở Hà Đông... Cụ già tròn xoe mắt, nói to : - Các anh chị này, người thành phố mà ăn nói phản động thế ? Tôi ngạc nhiên : - Cụ ơi ! Như vậy là phản động làm sao ? Người phụ nữ tái mặt : - Cụ có phải là công an mật ngồi trực ở đây để theo dõi dân phải không ? Thôi, thôi trả dao đây cho tôi về. Cụ già quắc mắt : - Nói như vậy, không chỉ là phản động mà còn tuyên truyền cho các thế lực phản động. Tôi hỏi anh và chị đây nghe tin ở đâu ? Tôi nhả nhặn : - Cụ ơi ! Internet đăng đầy ra đó . Cụ già vừa mài dao vừa nói to, mấy anh công an nhân dân đứng lấp ló bên bờ rào cũng nghe rõ mồn một : - Các báo đài thời nay đưa tin đó là bị xử lý ngay. Các ông tổng biên tập là báo chí của của mấy ông trên, nếu đưa tin như vậy là bị đuổi ngay. Tôi có biết, có một tờ báo điện tử , có người con trai là nhà báo đưa tin về sinh viên biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm trái phép Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Bố của phóng viên nọ là Tổng biên tập. Hôm sau, cả trang báo mạng đó bị "Cúp" luôn. Hai cha con báo chí nọ, bị trên cho nghỉ luôn. Cả nhà treo niêu. Vì vậy, các tổng biên tập mà đưa tin như anh chị nói chỉ mà ngồi tù cả nút. Bởi vậy, chả có báo chí nào nói đâu. Do đó, các anh chị nói là các tin đó các báo chí đăng là tôi không thể tin nổi. Rồi cụ hạ giọng nói nhỏ chỉ đủ cho tôi và người phụ nữ nghe : - Tôi cũng mấy lần bị mấy chú công an đến hỏi mài dao để làm gì rồi. Lớ xớ, mất chỗ ngồi ở góc này là hết sống. Thôi, ba dao, tôi chỉ lấy tiền công hai dao thôi.
Người phụ nữ và tôi đã hiểu ra tại sao cụ già lúc thì nói to, lúc thì nói nhỏ như vậy. Người phụ nữ lặng lẽ rút tiền trả đủ tiền công cho ba cái dao. Đi được một quãng, tôi nhìn lại thấy cụ già đưa cái dao sứt chuôi ra mài và mỗi lần ai đi qua lại ngước mắt chào.
8/2010 Nguyễn Quốc Minh.
Nguyễn Quốc Minh |