Lượt truy cập 
 Đang online 001
 Tổng số : 007211603
 
Tin tức » Sự kiện & bình luận Hôm nay là :
NHỮNG GHI NHẬN PHIÊN TÒA THẢM PHÚC KHAI CÔNG NGÀY 2-8-2011 TẠI HÀ NỘI XỬ TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ.
03.08.2011 04:32

Xem hình
GS.Nguyễn Huệ Chi và J.B Nguyễn Hữu Vinh đã tường trình đi "dự" phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 2-8-2011.

" Cho phép chúng tôi nói một lời nói thẳng cuối cùng: một Cù Huy Hà Vũ (dù có là tên “nghịch tử”), thì cũng không tạo thành mối nguy mất nước ta – trái lại, chính sự dốt nát, ngạo mạn và tham lam vô độ mới dẫn tới một vụ Vinashin và sẽ dẫn tới những vụ Vinashin khác vẫn có nhiều khả năng tiếp tục bùng nổ, sẽ đẩy dân tộc nợ nần này vào bàn tay người chủ nợ Bắc Kinh, và đó mới chính là nguy cơ mất nước nhỡn tiền." - Lời khuyên chân tình - Điều trần và thỉnh cầu của Bauxite Việt Nam về vụ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.

Này đây, quang cảnh bên ngoài
                        phiên xử phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ


GS. Nguyễn Huệ Chi

Chiều ngày 1-8-2011 tôi nhận liền mấy cú điện của hai người bạn đề nghị sáng ngày mai cho họ đến nhà trò chuyện và uống nốt chai Gold label mấy hôm trước còn uống giở với nhau. Tôi biết hai người này là ai rồi. Họ là những người bạn tốt, có thể cam đoan như thế, nhưng những việc làm của họ đâu có tùy thuộc ở họ được. Tôi nói thẳng với họ qua điện thoại: “Mai bác còn phải đi dự phiên xử phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ. Uống rượu để sang hôm khác”. Nói rồi tôi tắt máy. Một chốc, lại nghe thấy tiếng đổ chuông. Đầu dây bên kia là tiếng của người thứ hai: “Em nói thật với anh, – anh này nhiều tuổi hơn, vẫn gọi tôi bằng anh – tên tuổi anh trên mạng ai cũng biết cả, anh ra đấy mà lọt vào ống kính thì... sẽ có ảnh hưởng không hay”. Tôi cũng đáp lại trong tiếng cười: “Ô hay cái cậu này. Phải cho người ta thực hiện quyền công dân của người ta chứ. Mà cũng chỉ là đứng ở vòng ngoài, xa tít, chẳng lọt được vào ống kính nào đâu”. Trao đi đổi lại một lúc, hai bạn của tôi đành thống nhất mai sáng sẽ đến lúc 6 giờ 30’ để hộ tống tôi đến Tòa án cho an toàn. Trước khi đi ngủ tôi cứ ngẫm đi ngẫm lại mãi về tình huống sáng mai, không hiểu có xảy ra cơ sự gì không. Tôi vấn kế hai người bạn đáng kính cùng họ Phạm là Phạm Duy Hiển và Phạm Toàn. Anh Hiển nghe chuyện cười to và nói: “Thì cứ đi với họ chứ sao. Bạn của mình thì không việc gì hết đâu anh”. Còn anh Phạm Toàn không trả lời điện thoại mà bằng meo: “Cái anh này mới ngốc chứ. Thôi, xách khăn gói đến thằng Tường – Dương Tường – ở ngay Quán Sứ, ngủ nhờ một hôm. Mai dậy tha hồ thảnh thơi đến cổng Tòa án. Chứ kiểu này a, thì mai đừng hòng bén mảng đến Tòa. Họ đưa đi một quán café xa tít cùng ngồi uống café thì làm gì nhau nào. Xa vợ một đêm có sao không?”. Tôi nghe hai bạn góp ý đều thấy hay, vậy nhưng cuối cùng vẫn nghiêng về ý kiến anh Hiển, yên tâm nằm lại trên cái giường của mình, bởi đã hẹn với bạn lại bỏ đi xem ra nó không phải đạo; cũng bởi, để phòng xa, trước khi hai người bạn kia hẹn hò, tôi lại đã hẹn với một người bạn khác, Thượng tá, đảng viên, đến chở tôi đi, cũng đúng 6 giờ rưỡi sáng. Có việc gì anh bạn đảng viên hẳn sẽ có cách “đánh tháo” cho tôi. Tất nhiên đó là nói phòng xa thôi, giữa thời buổi này, là người lương thiện nghĩ đến một “âm mưu” nghe sao nó kỳ dị, nhất là khi mình đã đánh giá người chơi với mình là “bạn”. Dù sao, vẫn cứ phải dự phòng hai chữ... “có ai ngờ”.

May sao sáng hôm sau anh Thượng tá quân đội hẹn trước lại đến sớm hơn hai người bạn hẹn sau. Anh bấm chuông khi tôi còn đang ngủ. Tôi vùng dậy, mặc nhanh áo quần và lên xe cùng với anh, phóng vội đến địa điểm đã định. Trời Hà Nội mây đen vần vũ và mưa lai rai nhưng lòng rất thảnh thơi, vì ngẫu nhiên mà làm được cái điều anh Toàn mong mỏi cho mình, mà lại không phải đi ngủ nhờ, khỏi phải chuẩn bị lỉnh kỉnh, tính tôi không muốn. Trên đường, anh bạn bỗng hỏi tôi: đến đâu gửi xe bây giờ. Ừ nhỉ. Những chuyện đột xuất không hề tính trước, lúc nảy ra thình lình mới thật khó nghĩ. Loanh quanh chừng dăm phút tôi vụt tìm được một đáp số, tôi nói ngay với bạn: “Thì tốt nhất là vào nhà Dương Hà mà gửi. Sân nhà cô ấy rộng. Lại níu lấy cô làm bạn đồng hành, biết đâu nhờ cô ta mà mình vào được trong Tòa án cũng nên”. Anh bạn tán thành ngay. Chúng tôi gọi cổng thì đúng như ý mình, Hà đang mong ngóng có khách đến gửi xe để cùng nhau họp thành một đoàn trực chỉ Tòa án hành tiến cho thêm hùng hậu. Chúng tôi vào nhà thì J.B. Nguyễn Hữu Vinh và nhà văn Võ Thị Hảo đã ngồi sẵn. Mừng quá. Hảo nói với tôi: “Em có ngủ được đâu. 4 giờ rưỡi sáng em đã có mặt ở đây rồi”. Tôi nhìn Hảo, cảm phục về những bài viết nảy lửa của chị. Nhớ đến bài viết mới toanh của chị trên BBC lòng thầm nghĩ: “Không hiểu con người nhỏ bé xinh đẹp này lấy đâu ra nghị lực mà viết những bài “choang choang” như vậy. Bài viết quả đặt ra những vấn đề ít ai nghĩ tới: Sửa đổi Hiến pháp biết đâu là cái cớ để cho ai đó thừa cơ cướp nốt những quyền còn lại của người dân. Dân không biết gì cứ tưởng cải tiến là hay, có ngờ đâu một bước “cải” thì mình lại bị “trói” thít thêm một lằn dây, cắt thêm một “khúc” quyền, cuối cùng đành làm một... người mình trần ngay trên đất nước mình, giống như mấy câu bất hủ của cụ Phan Khôi: “Đánh đùng một cái / Kêu éc éc ngay /Bịt mồm bịt miệng / Trói chân trói tay...”, còn trí thức thì điếng người mà không làm sao được cả, bởi cứ mải mê cãi cọ với các thứ lý thuyết xa rời thực tiễn, đến khi ngã người ra thì mọi sự đã... rồi”.

Chúng tôi ra khỏi cổng Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ từ 7 giờ sáng, đi nhanh theo hướng ngã năm Cửa Nam rồi qua đường Hai Bà Trưng, ngoặt phố Thợ Nhuộm mà tiến về phía Tòa án. Tôi đi sát Võ Thị Hảo. Chúng tôi trao đổi ngắn với nhau về phiên họp Quốc hội đang diễn ra, về hình ảnh các vị chấp chính vừa in rất to trên các báo, trước kết quả “thắng lợi vang dội” sau mấy cuộc bỏ phiếu rất “dân chủ” đưa họ lên những chiếc ghế ngon ơ, ông nào nét mặt cũng rạng rỡ mà ông Thủ tướng thì rạng rỡ hơn người nào hết. Hảo chỉ hỏi tôi có mỗi một câu mà tôi không sao trả lời được, vì chính đó cũng là câu hỏi đang cồn cào trong ruột của mình: “Không hiểu họ có thấy xấu hổ trong lòng hay không khi đội quân chức năng mẫn cán của họ không từ một thủ đoạn nào đàn áp dân, giết dân chẳng ghê tay, đạp vào mặt người yêu nước mà đến một Nhà nước chuyên chế đích thực cũng không dám làm. Em hỏi thế là vì không hề thấy một vị nào mở miệng ra nói một lời xin lỗi nào cả. Tuyệt đối không. Dân chết vì mình cũng không xin lỗi. Dân đi biểu tình để giữ nước cho mình bị đạp thẳng vào mặt cũng không xin lỗi. Chỉ thấy những nụ cười tươi trên những khuôn mặt béo tốt, có thế thôi. Anh bảo thế chẳng là... đại phúc cho dân tộc ta sao!”

Một toán công an sắc phục xanh đứng gác khoảng giữa nhà Hỏa Lò trên đường Thợ Nhuộm chỗ sắp gặp đường Lý Thường Kiệt. Đoàn người được để yên cho đi qua, không anh công an nào có động tác ngăn cản. Nhưng vừa qua khỏi bức tường Hỏa Lò, hai chị em chủ nhân Văn phòng Cù Huy Hà Vũ liền trương ngay hai tấm biển gỗ nền trắng chữ đỏ lên, với Dương Hà: “Chồng tôi vô tội”, với Cù Thị Xuân Bích: “Anh tôi vô tội”. Đám công an thấy thế hốt hoảng chạy bổ tới vây chặt lấy các cô, xô đẩy các cô lùi trở lại không cho đi nữa. Ôi chao, phản ứng của các cô thật bất ngờ. Đang từ hai người phụ nữ hiền lành, hai cô bỗng đổi ngay thái độ, lồng lên dữ dội – xin lỗi – như hai con hổ cái bị loài thú khác đến cướp mất con. Các cô lăn vào giữa đám công an không còn biết e sợ là gì. Chúng tôi đều cảm thấy lo ngại pha lẫn niềm kính phục các cô, những phụ nữ mới, ý thức rất rõ quyền công dân của mình. “Các anh làm gì thế? Phiên tòa hôm nay tuyên bố xử công khai, chúng tôi đến tham dự vì có chồng và anh đang bị xử trong kia sao các anh dám ngăn chặn? Ai ngăn chặn nào? Thì cứ xích luôn tay chúng tôi đi, đưa vào trong Tòa mà xử luôn, này đây này!”.

Các cô dấn tới và công an vừa đẩy họ vừa đi giật lùi, thành thử cuộc va chạm, giằng co khiến mỗi lúc mỗi tiến đến gần Tòa án thêm một ít. Cuối cùng thì đã đến hẳn trước cổng Tòa án. Có thêm một bà dì hay bà cô của Cù Huy Hà Vũ cũng đã chờ ở đó và phải nói, ba người phụ nữ đã làm dấy lên cả một cuộc biểu tình nhỏ nhỏ vì quyền lợi, sự đe doạ sinh mệnh chính trị của cháu, của chồng và em mình.

Thật đáng phục thay LS Nguyễn Thị Dương Hà đã biết làm nổi sóng lên tại nơi có công an, mật vụ dày đặc ở đây trong khi chúng tôi, nhà văn võ Thị Hảo, Người Buôn Gió, BS Phạm Hồng Sơn và khá nhiều người khác dù cố gắng tiếp sức cho họ vẫn đành đứng như phỗng ở vòng ngoài. Dĩ nhiên nổi sóng cũng chỉ là dậy lên trong chốc lát. Dương Hà, bà dì, ông Cù Huy Thước và J.B. Nguyễn Hữu Vinh cuối cùng lọt được qua hai cánh cổng, sau khi đã xuất trình mấy tấm giấy cho phép tham dự phiên tòa. Tôi đang đứng một mình với tâm trạng ngẩn ngơ thì một cái vỗ vai sau lưng, quay lại, hóa ra hai người bạn hôm qua đã hẹn. Họ có mặt ở đây trước chúng tôi. Một anh nói: “Chúng em đến nhà thì anh đã đi rồi. Ra đây lại chẳng thấy anh đâu. Thì ra bây giờ mới đến đây... Thôi thế là đủ, mấy anh em mình đi uống café đi anh, ở đây nữa làm gì”. Tôi vui vẻ với họ nhưng trong lòng thật tình chưa muốn về mà còn muốn tận thu vào mắt mình cái ấn tượng chung về quang cảnh bên ngoài Tòa án, nên khẽ lắc đầu. Quả thật, hôm nay có khác với phiên xử sơ thẩm nhiều. Cảnh sát cơ động hoàn toàn vắng bóng. Đó là một tiến bộ. Thay vào đấy là một số lượng vừa phải các loại công an áo xanh, áo vàng, áo trắng cộc tay có cầu vai vàng, bảo vệ đeo băng đỏ, nhưng một số lượng trội hơn nhiều là công an thường phục – loại người mặt lạnh – loại này thay cho cảnh sát cơ động, là lực lượng chính xử lý người tham dự phiên tòa.

Lúc đầu thì một toán công an áo xanh đến gần chúng tôi, yêu cầu chúng tôi rút khỏi nơi mình đang đứng, đúng như lệnh của một chiếc loa phát tiếng oang oang ngay sát mé đường gần cổng Tòa án: “Theo nghị định 38 CP... những ai tụ tập đông người cần xin phép chính quyền sở tại, nếu không phải giải tán lập tức...”. Chúng tôi bảo nhau rút dần sang bên kia đường Lý Thường Kiệt sát ngay Đại sứ quán Cuba và trụ lại ở đấy, nơi có con hẻm với tấm biển rõ to: “Khu dân cư văn hóa phường Lý Thường Kiệt...”.

Đứng được một lúc khá lâu tôi thấy cũng chẳng bao nhiêu lăm người. Cả môt quãng đường rộng phía trước mặt Toà án, rộng như một quảng trường, vắng hoe, công an đã chăng dây bốn phía nên xe cộ qua lại không được, bên góc này chỉ là một nhúm người chúng tôi và trước mặt là công an. Tôi nhìn lại thì nào có mấy ai đâu: cô Cù Thị Xuân Bích với tấm biển “Anh tôi vô tội” giương lên trước mặt, nhà văn Võ Thị Hảo đứng sát bên cô, nhà phê bình Paul Nguyễn Hoàng Đức, rồi một người phụ nữ giọng miền Nam mang trên tay hai bó hoa hồng nói với tôi : “Em ở miền Nam ra”, một người nữa trẻ như cô mặc áo dài xanh, một số hơn chục người khác nữa đứng gần quanh, tôi không biết tên cũng không có nét nào đặc biệt để miêu tả, dăm ba người cầm máy ảnh, có khi là phóng viên tự do... có vậy thôi. Tôi hơi băn khoăn không rõ chàng Buôn Gió và BS Phạm Hồng Sơn đã lẩn đi đâu mất rồi, về sau mới biết Lái Gió thì đã được một anh hói đầu mời khéo vào một quán café câu lưu ở phía đường Dã Tượng, còn BS Phạm Hồng Sơn vẫn an toàn ở đâu đó chứ không bị hốt lên xe như lần trước. Đứng một chốc, nghe điện thoại của TS Nguyễn Quang A gọi. Anh đến sớm hơn chúng tôi nhưng cũng đã bị bị đuổi dạt sang đường Dã Tượng và đang ngóng xem chúng tôi ở đâu. Tôi chỉ đường cho anh và chỉ khoảng mười phút sau anh đã có mặt ở chỗ chúng tôi.

Nhưng “sự cố” đã xảy ra khi Cù Thị Xuân Bích bỗng nức lên khóc. Cô vừa khóc vừa gào thật to: “Anh tôi Cù Huy Hà Vũ đang bị xử oan ở trong đó bà con ơi. Anh tôi là con cố Bộ trưởng Cù Huy Cận, là người đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa này đấy. Bà con ơi, anh tôi bị xử oan, anh tôi Cù Huy Hà Vũ bị xử oan!”. Tiếng khóc và tiếng gào rất to lặp đi lặp lại nhiều lần làm tất cả đều động tâm. Nhưng với đội quân chức năng thì đây là một biến cố... nguy hiểm. Lập tức họ điều một chiếc xe cảnh sát đến ngay sát nơi cô Bích và chúng tôi đang đứng, vặn loa to hết cỡ, cất giọng nhắc đi nhắc lại Nghị định 38 CP của ông Nguyễn Tấn Dũng: cấm tụ tập đông người mà không xin phép.

Một bạn nào đó bỏ nhỏ vào tai tôi: “Mấy lời của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ra cuối cùng là để át giọng cô Bích. Ông Thủ tướng chịu trách nhiệm theo dõi vụ Vinashin thì quá mù mờ thế mà nhìn vụ án Cù Huy Hà Vũ sao mà tinh thế! Biết trước sẽ có tiếng khóc của cô Bích nên cũng đã có kịch bản hoàn hảo cho những việc đối phó thế này. Giỏi! giỏi!”. Tôi nghe giọng nói, nhìn vào khuôn mặt không có vẻ gì là chế giễu của người bạn không quen biết và thốt nhớ lại nụ cười rất tươi của ông Thủ tướng – nụ cười có lẽ đẹp nhất trong số các vị có chiếc ghế đẹp – in đồng loạt trên các báo mới mấy ngày trước, cũng thốt nhớ đến hai tiếng gì đó của nhà thơ Bằng Việt, người kín tiếng nhất đã không còn chịu được phải buột lên mà Võ Thị Hảo vừa tâm sự với tôi trên đường ra đến gần đây, khen cái cách đưa rất đắt hai tiếng ấy của Nguyễn Trọng Tạo trên trang blog của anh... Ngay lúc ấy tôi cũng muốn nói thật to một câu của Nam Cao mà rồi kịp dừng lại được: “Tài thật, tài đến thế là cùng...!”.

Nhưng tiếng khóc của cô Bích đã dấy động tâm lý muốn đuổi người đứng phía ngoài Tòa án cho rảnh nợ của đám công an. Bây giờ thì loại người thường phục mặt lạnh mới có dịp ra tay. Họ áp sát vào chúng tôi với giọng rất nghiêm bắt chúng tôi rời khỏi nơi này. Chúng tôi cứ đứng yên bất động, mặt rất căng thẳng.
Hai bên chiếu tướng nhau môt lúc như thế thì bên phía các vị chức năng đã mất bình tĩnh, đưa tay ra đẩy chúng tôi. Lập tức tôi nói ngay: “Máy ảnh đâu chụp ngay cho tôi để đưa lên các phương tiện thông tin quốc tế. Các anh cứ đẩy vào tôi đi!”. Người đưa tay ra đẩy vội rụt tay lại, bảo các bạn anh ta ở xung quanh: “Đừng động tay vào bác này”. Tôi biết ý nói tiếp ngay: “Không phải chỉ tôi mà các bạn tôi đây cũng thế. Chúng tôi đến đây cốt tham dự một phiên tòa xử công khai với rất nhiều thiện chí mà được đối xử thế này kia đấy! Chúng tôi đã lùi đến đây, đứng một nơi không có biển cấm, thế mà vẫn bị xem như nơi cấm. Vậy trên đất nước Việt Nam này còn nơi nào là không cấm nữa?”. Anh Nguyễn Quang A cũng tiếp liền theo, tay chỉ vào túi một cậu mặc chiếc sơ mi cộc tay trắng ngả vàng thấp thấp đứng sát trước mặt anh: “Tôi yêu cầu cậu hãy rút ngay tấm biển công an trong túi ra quàng lên cổ đã rồi hãy đuổi, nếu không thì cậu là ai mà có quyền lớn giọng?”. Anh chàng áo vàng còn ra điều nói cứng: “Tôi không đeo”, nhưng nhiều người đế vào: “Anh phải đeo. Anh cũng không có quyền đuổi dân khi dân chúng đi dự một phiên tòa công khai theo tuyên bố của Nhà nước”. Cậu kia im bặt. Mới biết, tiếng nói của số đông bao giờ cũng là một mãnh lực.

Nhưng rồi, cứng thì cứng, cái thế của chúng tôi là phải lùi. Chúng tôi quay lưng lại bước đi, nhìn thấy tít ở đằng kia, phía đường Quán Sứ bây giờ đã kéo ra hai thang sắt ngay giữa đường mà mới vừa nãy chỉ chăng ở sát nơi chúng tôi đứng mà thôi, nghĩa là vòng vây đã được nới rộng thêm rất nhiều lần so với lúc đầu. Tôi và anh Quang A vừa đi vừa cười với nhau: Thế ra ở cái xứ sở tự do nhất này, bất cứ một khái niệm gì cũng phải đảo ngược thì mới hiểu nó đúng nghĩa. Xử án công khai thì phải hiểu là nó xử kín. Dân có quyền làm chủ, quyền tham dự phiên tòa thì phải hiểu là người ta muốn đuổi đến đâu mình phải lùi đến đấy. Phải lùi đến hai cây số thì mới gọi là... tham dự. Một cô đi bên cạnh đế vào: “Có lẽ cuối cùng thì phải lùi đến... lãnh thổ Trung Quốc mới đúng là tự do dân chủ đấy các bác ơi”. Lời khôi hài của cô làm tất cả cùng cười, nhưng những tiếng cười nghe như đau nhói trong lòng. Chả là chúng tôi ai cũng vừa nhìn thấy bức ảnh rất to in màu nổi bật của ông Nông Đức Mạnh trên bảng tin trước cổng Đại sứ quán Cuba – ông ấy từng nhận mình là người dân tộc Choang. Chẳng biết bây giờ tính số đã được thêm mấy người như ông? Có đến một chục chưa?

Hóa ra, đúng là trò diễn của đám chức năng thật vụng về. Cứ để yên cho người dân tụm năm tụm ba mỗi nơi một ít thì tưởng chẳng có mấy ai ra xem phiên tòa này, nhưng dồn đuổi người ta lại theo cùng một hướng thì người tụ tập về đường Quán Sứ sao mà đông thế. Dễ có đến gần trăm chứ không ít. Nhiều người nói nhỏ với tôi họ từ Thanh Hoá, Nam Định... lặn lội ra đây. Có cả mẹ liệt sĩ anh hùng. Có cả nghệ sĩ Trí Hải với chiếc đàn violon nổi tiếng từ đâu cũng ra đứng bên Cù Thị Xuân Bích. Công an chứ không ai khác đã tập hợp mọi người thành một cuộc biểu tình thật rồi.

Và khi một người phụ nữ trẻ, bỗng đâu xuất hiện bất thình lình, với những tiếng hô “Cù Huy Hà Vũ vô tội” vang vang, còn vang hơn giọng cô Bích nhiều, thì trước mắt tôi hình như chất lượng đám đông đã thay đổi. Họ cựa động mạnh mẽ hơn, vung tay vung chân nhiều hơn... Tôi mường tượng đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Có điều cái xấu cái ác mà người dân muốn tố cáo hôm nay lại không phải là mấy cha Tàu. Cho đến khi tôi lên xe máy của một bạn trẻ ra về mà bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng hô của cô gái tên H. ấy.

Nhưng người phụ nữ tên H. vừa mới đến hô to lên mấy lần: “Cù Huy Hà Vũ vô tội” đã bị bắt giải về đồn.

Trong xa kia, phiên toà xử Cù Huy Hà Vũ vô cùng bí mật vẫn đang họp với tất cả vẻ... thâm nghiêm của nó.

GS.Nguyễn Huệ Chi
( Một trong ba người khởi xướng trang mạng BauxiteVietNam)

Nguồn >>>: BauxiteVietNam

 MỘT SỐ HÌNH ẢNH BÊN NGOÀI PHIÊN TÒA THẢM PHÚC KHAI CÔNG 2/8/2011 TẠI HÀ NỘI



Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, Cù Thị Xuân Bích là vợ và em gái của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ



GS. Nguyễn Huệ Chi, TS.Nguyễn Quang A và Cù Thị Xuân Bích em gái của TS luật Cù Huy Hà Vũ.



Trước Tòa án phiên phúc thẩm Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ công an  dày đặc.



Nhà văn Võ Thị Hảo và nhà phê bình Paul Nguyễn Hoàng Đức



J.B. Nguyễn Hữu Vinh, người mặc Comle, nhà văn Võ Thị Hảo,... trong vòng vây của công an





Cù Thị Xuân Bích cầm biểu ngữ, Nhạc công-”biểu tình viên chuyên nghiệp" Trí Hải từ Sài Gòn ra và đông đảo đồng bào đứng trên vĩa hè phố Quán sứ cách nơi Tòa xử hàng trăm mét.

BÀI LIÊN QUAN:

Phỏng vấn luật sư Trần Đình Triển
Luật sư Trần Đình Triển (DR)
 

 Nhưng cho đến nay, thông tin về diễn biến của phiên toà cho thấy sự lúng túng của Hội đồng xét xử và bên công tố khi phải đối mặt với thái độ cương quyết của nhà dân chủ ở ghế bị cáo và các luật sư.




 Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ - Kỳ 1
 
  J.B Nguyễn Hữu Vinh
Phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm ông TS luật Cù Huy Hà Vũ đã tiến hành xong sau nhiều mong đợi từ các nhân sĩ, trí thức, người dân Hà Nội và khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới rằng sẽ có sự nhìn nhận lại của các cơ quan pháp luật để có bản án hợp lòng dân.

Nhưng những hy vọng đó đã tan thành mây khói khi tòa tuyên y án sơ thẩm.

Kết quả đó làm nản lòng những người hy vọng một sự đổi thay, làm đau lòng những người yêu nước, làm thất vọng những niềm tin còn sót lại về một nhà nước pháp quyền.

Sự nản đó, thể hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc và nhiều mặt. Ngay cả việc người dân yêu cầu quyền chính đáng, cơ bản tối thiểu của họ khi được vào dự phiên tòa công khai thì người ta cũng không thèm nhắc đến nữa.

Tôi đi dự phiên tòa lịch sử

Trong lịch sử thế giới cũng như dân tộc này, đã có nhiều phiên tòa đi vào lịch sử còn ghi lại đến tận hôm nay. Tôi tin rằng phiên tòa này cũng sẽ được ghi vào lịch sử của đất nước, của dân tộc về một thời kỳ: Thời kỳ Việt Nam có “nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”.

Tôi có may mắn được vào dự phiên tòa lịch sử này một cách hết sức ngẫu nhiên. Điều này không chỉ làm ngạc nhiên những người bạn, những người thân mà ngay cả tôi cũng không kém, kể cả khi đã ở trong tòa.

Sáng 2/8, tôi và vài người bạn lên nhà chị Dương Hà định để cùng đi ra xem quang cảnh phiên tòa vì biết rằng phiên tòa công khai này chỉ dành cho một ít người được chọn. Cái quyền cơ bản đó đã nghiễm nhiên không còn khi tòa án xét xử những vụ án như vụ mấy cục gạch của giáo dân Thái Hà, vụ sơ thẩm Cù Huy Hà Vũ… Đến nơi, chị Dương Hà bảo: cả gia đình có 13 người muốn vào dự, thế nhưng họ chỉ cấp cho có 3 giấy ra vào tòa. Một giấy dành cho ông chú Cù Huy Thước, một giấy của chị, còn một giấy nữa là của cháu Hiếu, nhưng chị cứ phân vân có nên để cháu Hiếu chứng kiến cảnh đau lòng này không. Hay Vinh vào tòa với chị?

Sáng dậy lúc ra đi, trời mưa nhỏ nên tôi chỉ mặc quần soóc, áo phông, chân đi dép lê cho tiện, đến khi này mới khó xử, vậy là phải vội vàng điện về nhà để đứa em mang ngay lên cho bộ vét và đôi giày, mười lăm phút sau, nhu cầu được đáp ứng. Thế là tôi đi.

Khỏi phải mô tả cảnh ngăn chặn bên ngoài, ngay tại cổng tòa ngoài đường, một tốp cảnh sát hình như được huy động quá vội vàng hoặc cẩu thả, hoặc trá hình nên không có biển tên trên ngực chặn chúng tôi lại đòi giấy tờ. Chúng tôi phản đối: “Giấy tờ không phải để xuất trình ở đây, mà các anh là cảnh sát, biển tên ở đâu, ăn mặc đúng điều lệnh khi làm việc thế này à”? Nghe nói thế một người vội vàng móc biển tên ra đeo lên ngực, nhưng những người đứng trước cổng tòa vẫn thế, một người mặc thường phục mà tôi thường thấy trong các phiên tòa xẳng giọng: “Không cần biển tên”.  Tôi hỏi: “Phiên tòa công khai, chúng tôi vào dự tại sao ngăn chặn? anh ta đáp: “Thì cũng phải có quy định của tòa”. Tôi nói: “Sao ngay tại cổng này không có bảng quy định nào mà anh lại chặn”? Anh ta không thể trả lời.

Vào cổng tòa, tôi gặp một công an tôn giáo tên là Sơn, anh ta hỏi: Ông Vinh đi vào đây làm gì? Tôi đáp: “Tôi đi dự phiên tòa công khai” -  “Ông có giấy không đưa tôi xem”? – anh ta hỏi. Tôi đáp: “Tòa xử công khai cần gì phải giấy, mà có giấy cũng không phải để đưa cho anh xem, vì đấy đâu phải nhiệm vụ của anh”. Anh ta nói: “Sẽ có người hỏi để xem giấy của ông”.

Quả nhiên vậy, khi mọi người lục tục kéo vào qua cổng an ninh, một người vừa được anh công an tên Sơn thầm thì vào tai và chỉ trỏ tôi lập tức chặn tôi lại: “Giấy đâu”? Tôi đưa giấy ra vào, anh ta cầm và chưng hửng, một lúc sau hỏi tiếp: “Thẻ đâu”? Tôi đáp: “Tôi không phải là nhân viên ở đây, nên không có thẻ và chỉ cần giấy ra vào này tôi có thể ra vào”. Anh ta hỏi: “Chứng minh nhân dân đâu?” . Tôi đưa chứng minh nhân dân, anh ta lại: “Thẻ đâu”?.  Tôi nói với anh ta: “Anh đừng cò quay, anh đòi giấy, tôi có giấy, anh đòi thẻ tôi không là nhân viên ở đây nên không có thẻ thì anh đòi giấy chứng minh nhân dân, tôi đưa anh thì anh lại đòi thẻ, chắc lát nữa anh đòi giấy khai sinh hoặc bằng lái xe chắc? Với cái giấy này, có dấu đỏ, nó có giá trị gì không”?

Cũng lúc đó, một người mang bảng trên ngực ghi Ban Tổ chức đi qua, tôi hỏi: “Tôi có giấy này, có vào tòa được không”? Người đó trả lời: “Có giấy này là vào được”. Vậy là anh ta phải để tôi vào tòa.

Vào tòa

Trong tòa, ngoài khu vực dành cho Hội đồng xét xử (HĐXX), các luật sư và bị cáo, phía dưới có ba dãy ghế mỗi dãy có 8 hàng, mỗi hàng có 12 chiếc, vị chi là 96 chỗ. Trong đó theo chị Dương Hà cho biết thì một số là cán bộ phường nơi chị ở, còn lại là những gương mặt trẻ già được cấp giấy màu hồng. Ngồi bên tôi là một cậu trẻ măng, tôi hỏi cậu làm ở đâu thì cậu nói làm công nhân, nhà ở Hai Bà Trưng, tôi hỏi làm công nhân gì thì cậu ấp úng. Thế nhưng, cậu nói chuyện cơ quan với một cậu bên cạnh cầm trên tay tập “Tập huấn nghiệp vụ khóa 7″ thì tôi hiểu cậu đã không dám nói thật. Điều lạ là ngay chính những người dự tòa như thế này, họ cũng đã có tâm trạng không minh bạch.

Gần 8 giờ ông Vũ được dẫn giải ra tòa, lần này ông mặc áo sơ mi, cổ không đeo cà vạt, chân đi giày. Trước khi phiên xử bắt đầu, chị Dương Hà và luật sư của bị cáo đề nghị cho ông được đeo cà vạt vì ông chưa phải là tội nhân. Yêu cầu này không được chủ tọa phiên tòa đáp ứng và nói rằng: “Vấn đề ăn mặc là do nơi trại tạm giữ”. Như vậy là ông Vũ đã không được đeo cà vạt trước tòa như lần trước với hình ảnh hiên ngang.

8h15, phiên xử bắt đầu.

Chủ tọa phiên tòa là Chánh án Nguyễn Văn Sơn, hai thẩm phán là Nguyễn Huy Chương và Nguyễn Đức Nhận đã ngồi tại tòa, phía Viện Kiểm sát có ông Nguyễn Thanh Văn và Lê Hồng Tuấn. Phía bên bị cáo có 4 luật sư: Trần Quốc Thuận, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh. Phía người nhà có ông Cù Huy Thước, chị Dương Hà và tôi. Phần còn lại là những người xa lạ.

Thủ tục ban đầu là kiểm tra căn cước bị cáo, ngay sau khi được mở còng số 8, Cù Huy Hà Vũ giơ tai tay lên cao hình chữ V, các ngón tay hình chữ V và quay lại: “Chào tất cả mọi người. Dương Hà, anh yêu em”.

Phần khai nhân thân Cù Huy Hà Vũ đọc trích ngang lý lịch của mình bị sa thải khỏi Bộ Ngoại giao vì kiện Thủ tướng, tiếp đó ông phản đối việc nêu nhân thân của ông trong bản án nói đến hai con nhưng không nói rõ tên hai con, “đã nêu thì phải có tên tuổi đầy đủ” - ông nói.

Ngay từ đầu phiên tòa, Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:

- Thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử vì tất cả đều là đảng viên ĐCS, mà cáo trạng có nói đến việc ông đã phủ nhận sự lãnh đạo của ĐCS. Vì thế, việc dùng các đảng viên ĐCS để xử ông là việc không khách quan.

- Điều thứ 2, ông Vũ nói về vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân gồm có 2 chức năng vừa truy tố vừa kiểm sát xét xử, như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi sẽ dẫn đến không khách quan trong quá trình xét xử.

- Vấn đề thứ 3, ông nói: “Tôi có chuẩn bị bản tự bào chữa cho mình bằng văn bản, có các tài liệu khác như các bộ luật, nhưng hiện nay cảnh sát dẫn giải vẫn đang giữ của tôi, yêu cầu trả lại tôi để tôi thực hiện quyền tự bào chữa của mình”.

Nhưng, yêu cầu đó không được chủ tọa trả lời mà chủ tọa lại đọc một điều trong bộ luật quy định tại tòa về việc luật sư tiếp xúc bị cáo và giải thích về điều đó.

LS Trần Đình Triển phản ứng ngay: Yêu cầu Chủ tọa phiên tòa không suy diễn và yêu cầu Chủ tọa phiên tòa đọc đúng quy định của luật và ông nói: “Nếu với trình độ của chủ tọa đọc luật cũng sai như thế này, thì yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa”.

LS Trần Vũ Hải có ý kiến tiếp theo nhất trí với LS Trần Đình Triển về việc yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, LS Trần Vũ Hải cũng gửi bản kiến nghị của công dân gửi QH nước CHXHCN VN đến Tòa, văn bản của Văn phòng Cù Huy Hà Vũ đã gửi QH luật sư cũng đã gửi đến Tòa và yêu cầu:

- Triệu tập Chủ tịch Quốc hội để trả lời về điều 88 Bộ luật Hình sự.

- Phiên tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền được tham dự, gia đình Cù Huy Hà Vũ có 13 người và bạn bè gồm 20 người đã đề nghị được tham dự phiên tòa, yêu cầu Tòa tạo điều kiện cho họ.

Luật sư Vương Thị Thanh đề nghị:

- Đề nghị HĐXX triệu tập Chủ tịch nước, Tướng Hoàng Công Tư, chị Lê Nguyễn Như Quỳnh, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, RFA…

- Cung cấp cho ông Vũ 10 tài liệu mà Tòa sơ thẩm đã dùng làm căn cứ kết tội ông.

- Yêu cầu Tòa cung cấp giấy bút cho ông Vũ để ông tự bào chữa cho mình.

- Yêu cầu có vật chứng là hai bao cao su đã qua sử dụng.

- Yêu cầu Tòa công bố toàn văn các tài liệu.

- Trước khi nói lời sau cùng, phải để ông Vũ đọc bài tự bào chữa của ông.

- Không hạn chế thời gian tranh luận của luật sư.

- Thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ những diễn biến trong phiên tòa, vì phiên sơ thẩm thư ký Tòa đã bỏ qua nhiều tình tiết.

- Yêu cầu chủ tọa cho Cù Huy Hà Vũ thắt cà vạt vì ông chưa phải là tội phạm và cung cấp cho ông 10 đầu tài liệu…

Luật sư Trần Quốc Thuận có ý kiến:

- Đồng ý với các đề nghị của các luật sư

- Cán bộ, công nhân viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định, còn nhân dân được làm những việc pháp luật không cấm.

- Nộp danh sách Kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ và bản kiến nghị 12 điểm của LS về phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Sau khi các luật sư nêu ý kiến của mình, Chủ tọa phiên tòa nói: “Hội đồng sẽ xem xét các đề nghị của luật sư”.

Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:

- Hoãn phiên tòa vì tại đây không có các nhân chứng như Đài VOA, RFA, phóng viên Trâm Oanh, BauxiteVN… như vậy là phiên tòa sẽ thiếu các nhân chứng.

- Yêu cầu triệu tập vợ và các con, vì đó là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

- Chủ tọa phiên tòa đã nói nhưng không đúng theo luật.

- Đề nghị hoãn phiên tòa vì tòa đã không cấp giấy cho LS Nguyễn Thị Dương Hà từ vụ sơ thẩm. Nếu vụ sơ thẩm đã từ chối, giờ vụ phúc thẩm cũng từ chối là không không đúng luật.

- Yêu cầu Tòa cung cấp đơn và tài liệu kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân:

- Căn cứ các điều luật 42,45, bộ luật TTHS, Vũ đề nghị đọc toàn văn…

- Trong quá trình tham gia vụ án, LS Hà đã vi phạm.

- Những người như Hoàng Công Tư, Lê Nguyễn Như Quỳnh không phải là nhân chứng vụ án.

- Bị cáo thừa nhận trả lời các đài, báo liên quan đến An ninh Quốc gia nên không cần triệu tập.

Trong quá trình đó, đại diện Viện Kiểm sát đã nổi nóng, phát biểu tự do không cần chủ tọa cho phép, lập tức được ông Vũ nhắc nhở “Hãy bình tĩnh”. Cũng như khi một vị thuộc Viện Kiểm sát phát biểu giọng nói ấp úng, ông Vũ nhắc ngay và đề nghị nói to, nói rõ để còn nghe, đàng hoàng dõng dạc lên không việc gì phải ấp úng… làm cả phòng xử ồ lên cười, bớt đi phần căng thẳng trong tòa.

Cù Huy Hà Vũ giơ hai tay hình chữ V: ” Chiến thắng, chiến thắng cuối cùng”.

Hội đồng xét xử tạm nghỉ vào phòng nghị án để xem xét...(Còn tiếp)

                        Hà Nội, ngày 3/8/2011

                      * J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn >>>: Đây

Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ – Kỳ 2
 
Trong bài viết kỳ 1, những diễn biến phiên tòa kể từ khi bước ra khỏi nhà đến khi Tòa nghỉ bàn bạc xem xét các yêu cầu của các Luật sư, tôi đã cố gắng nêu đầy đủ, trung thực những gì mình đã chứng kiến và ghi lại được. Có thể quá trình mô tả lại sẽ không logic như các phiên tòa hoặc các cuộc trao đổi, trò chuyện tranh cãi bình thường khác. Điều đó chỉ vì ngay chính phiên tòa đặc biệt này đã xảy ra như vậy.

Mọi lời phát biểu, tranh tụng hoàn toàn dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Mà chủ tọa phiên tòa thì ngay từ đầu phiên tòa đã thể hiện thái độ không muốn mất nhiều thời gian.

Ở đây, tôi cố gắng trình bày cụ thể và chi tiết những điều đã xảy ra tại phiên tòa cách khách quan nhất mà mình đã nhớ và ghi chép lại được . Vốn không phải là luật sư hoặc có quyền tranh tụng, tôi chỉ biết ngồi nghe và ghi chép lại những gì mình thấy, nghe và gặp. Cũng có thể có những câu nói quá dài, nghe, ghi không kịp nhưng những yếu tố cơ bản thì đã ghi lại.

Còn việc bình luận, đánh giá về phiên tòa công khai này sẽ phụ thuộc quan điểm của mỗi người khác nhau.

Trong quá trình nghỉ để Chủ tọa phiên tòa xem xét các yêu cầu của các luật sư, tại một dãy ghế của phòng tạm nghỉ phía ngoài, mấy bà đang ngồi nói chuyện trao đổi với nhau. Câu chuyện có vẻ nghiêm trọng và đầy bí ẩn. Có lẽ đây là đám mấy công dân đặc biệt của Phường nơi bị cáo cư trú thì phải. Khi tôi đi vệ sinh ngang qua nghe một bà hùng hồn, vẻ hiểu biết: “Luật sư người ta đề nghị thế là đúng luật đấy, đúng quá đi chứ, yêu cầu chính đáng đó nhất định tòa phải nghe rồi”.

“Hội đồng xem xét” và trả lời

Sau một thời gian bàn bạc, xem xét tại phòng phía trong, Hội đồng xét xử tiếp tục trở lại làm việc.

Những hi vọng mới nhen nhúm lên trong tôi và những người chứng kiến vụt tắt khi chủ tọa phiên tòa quyết định với nội dung như sau:

- Không chấp nhận các yêu cầu của các luật sư và bị cáo theo những điều luật được viện dẫn khác nhau, như khoản 3, điều 103…

- Việc cấp giấy bào chữa cho Ls Nguyễn Thị  Dương Hà như yêu cầu, được chủ tọa giải thích: Trong quá trình tham gia vụ án, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã vi phạm bí mật an ninh Quốc gia, Tòa sơ thẩm đã thu hồi giấy bào chữa. Do vậy tại tòa Phúc thẩm không cấp giấy cho Luật sư (Ls) Hà (!) (Việc này, Ls Nguyễn Thị  Dương Hà đã có văn bản bác bỏ rằng không thể có một việc đưa xử tội hai lần)

- Tại Tòa sơ thẩm đã có 4 Ls, dù có Ls Hải bị mời ra khỏi phiên tòa này, và các Ls vẫn được tạo điều kiện để làm việc.

- Việc yêu cầu triệu tập Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được tòa giải thích là bị cáo xâm hại lợi ích an ninh Quốc gia, không phải của cá nhân nào nên không triệu tập Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

- Những nhân chứng bị cáo yêu cầu như ông Hoàng Công Tư, Đài RFA, VOA, Pv Trâm Oanh… không phải là nhân chứng, tại phiên tòa Sơ thẩm, bị cáo đã thừa nhận các tài liệu viết, trả lời phỏng vấn… nên không cần triệu tập.

- Những vật chứng mà Ls yêu cầu như hai bao cao su đã qua sử dụng… không phải là những vật chứng mà chỉ là vật chứng của hành vi vi phạm hành chính.

- Việc cung cấp các tài liệu cho bị cáo theo yêu cầu của Ls được Chủ tọa phiên tòa giải thích: Vì bị cáo đã làm ra nên bị cáo sẽ ghi nhớ được, nên không cấp.

- Không cung cấp giấy bút cho bị cáo để tự bào chữa tại tòa.

- Các yêu cầu của Ls là đọc các tài liệu dùng kết án ông Cù Huy Hà Vũ tại tòa sẽ được HĐXX “xem xét”.

- Việc ông Cù Huy Hà Vũ yêu cầu thay đổi HĐXX vì tất cả là đảng viên Cộng sản thì không thuộc quy định của Pháp luật.

Ông Cù Huy Hà Vũ yêu cầu bổ sung, và yêu cầu Chủ tọa đọc nguyên văn điều luật số 42 của Bộ luật TTHS.

Chủ Tọa phiên tòa không để ý đến yêu cầu của bị cáo Cù Huy Hà Vũ và kết thúc phần quyết định về những yêu cầu của bị cáo, Ls. Kể cả việc ông Vũ yêu cầu Chủ tọa đọc nguyên điều 42 trong bộ luật TTHS mà theo Ls và ông Vũ thì đã bị đọc sai, nhưng tòa không chấp nhận.

Ông Cù Huy Hà Vũ kêu to: “Không chấp nhận là độc quyền:.

Như vậy, hầu hết những yêu cầu của bị cáo và các Ls đã không được đáp ứng sau khi Chủ tọa nghỉ để xem xét. Và sau này, những điều chủ tọa phiên tòa hứa xem xét tiếp cũng không được đáp ứng nốt.

Theo các Ls, thì việc yêu cầu của họ là đúng với quy định của pháp luật, việc HĐXX không chấp nhận, đáp ứng yêu cầu đó là trái luật rõ ràng. Nhất là việc đảm bảo quyền tự bào chữa của ông Cù Huy Hà Vũ và việc phải đưa chứng cứ phạm tội là 10 đầu tài liệu mà Tòa sơ thẩm đã dùng để kết tội ông.

Xét hỏi

Nhanh chóng kết thúc phần đầu buổi xử án, Chủ tọa phiên tòa bước vào phần xét hỏi, thẩm vấn.

Chủ tọa đọc nội dung tóm tắt của vụ án. Khi đọc đến đoạn nói rằng Vũ đã viết bài trả lời phỏng vấn đài VOA, RFA… Cù Huy Hà Vũ kêu to: “Tôi không viết bài, nói bậy”.

Chủ tọa công bố bị cáo đã có đơn kháng cáo vào ngày 15/4/2011.

Ông Vũ yêu cầu nhận được bản tự bào chữa của mình, đã chuẩn bị cùng với các tài liệu và bộ luật nhưng đã không cho cầm vào.

Chủ tọa hỏi: Bị cáo có đồng ý các tài liệu do bị cáo viết, trả lời, lưu giữ không?

Cù Huy Hà Vũ: Tôi không viết bài “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” mà là của tác giả Trần Thanh Ty  có liên quan đến tôi nên tôi lưu giữ… Vũ nói tiếp về việc ông bị bắt vì bị ném hai bao cao su giao hợp đã qua sử dụng vào phòng nghỉ của ông để cơ quan điều tra Bộ Công an vào bắt ông… ông Vũ nói hăng hái đầy phẫn uất, công an bảo vệ giữ tay ngăn ông lại. Ông cãi

Chủ tọa phiên tòa cắt ngang: Chỉ yêu cầu trả lời có hay không mà thôi.

Cù Huy Hà Vũ: Không thể trả lời như vậy được, tôi phải trình bày rõ ràng…

Chủ tọa: Trong hai bài trả lời RFA và Đài Tiếng nói Việt Nam…

Ông Vũ nhắc: Không phải đài Tiếng nói Việt Nam, mà là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhắc cho HĐXX.

Chủ tọa: Bị cáo trả lời phỏng vấn như thế nào?

Ông Vũ: Qua điện thoại…

Đến đây, ông Vũ trình bày rõ ràng quá trình diễn tiến sự việc…

Chủ tọa: Bị cáo dừng lại.

Ông Vũ: Tôi có quyền trình bày những nội dung liên quan đến câu hỏi

Chủ tọa: Bài phỏng vấn do bị cáo đăng tải hay do Đài đăng?

Ông Vũ: Đương nhiên do Đài đăng.

Chủ tọa: Có bài nào bị cáo kiểm tra lại và phải đồng ý mới được đăng không?

Ông Vũ: Cơ quan ANĐT và Tòa án đã nhầm lẫn…

Chủ tọa: Những kẻ cướp ngày nhằm chỉ ai?

Ông Vũ: Những kẻ phạm tội trong chính quyền địa phương.

Chủ tọa: Nghĩa là chính quyền địa phương?

Ông Vũ: Chính xác.

Chủ tọa: Bài vế Chính quyền VNCH?

Ông Vũ: Đó là sự dốt nát và kém cỏi, muốn hại tôi vì đó là Kiến nghị tôi gửi Quốc hội, mà tài liệu tôi gửi kiến nghị Quốc hội thì không được dùng làm chứng cứ buộc tội tôi.

Chủ tọa: Bị cáo có gửi Quốc hội?

Ông Vũ: Tôi gửi cả chục kiến nghị mà Quốc hội đã không trả lời tôi.

Tôi có quyền trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước được pháp luật thừa nhận. Kể cả chủ tịch nước lãnh đạo đất nước cũng vậy…

Cù Huy Hà Vũ tiếp tục nói về các bài viết, về kiến nghị gửi Quốc hội đã được đưa vào làm chứng cứ kết tội ông ở phiên tòa sơ thẩm. Ông nói: “Không ai được dùng kiến nghị của công dân để kết tội bất cứ một ai hết.

Khi ông Vũ trình bày chi tiết về các vấn đề Chủ tọa hỏi, Chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhắc: Chỉ được nói đúng hay không mà thôi.

Cù Huy Hà Vũ: Việc không cung cấp tài liệu buộc tội tôi cho tôi là việc làm phi pháp.

Chủ tọa: Bài viết Chiến tranh Việt Nam là 1 hay 2 bài? Trong đó có bài: Ts Cù Huy Hà Vũ nghĩ về chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4?

Cù Huy Hà Vũ: Vì tòa không cung cấp tài liệu cho tôi nên tôi không nhớ.

Chủ tọa: Có khi nào bị cáo đưa bài phỏng vấn nào mà họ thay đổi tiêu đề hay không? Hai bài đó có cùng 1 nguồn hay không?

Cù Huy Hà Vũ: Không cung cấp tài liệu, tôi không nhớ hết.

Chủ tọa: Trong bài trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ…

Cù Huy Hà Vũ: Lần này thì nói chuẩn rồi, không còn là Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chủ tọa: Ngoài phần trích trong cáo trạng, thì còn đoạn về đảng…

Cù Huy Hà Vũ: Tôi không nhớ, nhưng có thể có.

Chủ tọa: Trong bài Đường sắt Bắc – Nam…

Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị không bàn bài này

Chủ tọa: Như vậy, bị cáo có viết bài này?

Cù Huy Hà Vũ: Như vậy là cố tình hãm hại tôi.

Chủ tọa: Các bài trả lời phỏng vấn

Cù Huy Hà Vũ: Tôi không nhớ rõ, vì không chú ý

Chủ tọa: Bị cáo có viết bài… có đăng không?

Cù Huy Hà Vũ: Có đăng trên Bauxite Việt Nam

Chủ tọa: Đăng mấy ngày?

Cù Huy Hà Vũ: Không  nhớ.

Chủ tọa: Bài Trần Khải Thanh Thủy…

Cù Huy Hà Vũ: Tôi viết tố cáo tội phạm.

Chủ tọa: Trong bài viết, bị cáo nói là tố cáo tội phạm, đó là cơ quan công an Đống Đa?

Cù Huy Hà Vũ: Chính xác, đó là công an Đống đa, thủ đoạn đó là tội phạm.

Chủ tọa: Bài bàn về ĐCSVN?

Cù Huy Hà Vũ: Ở đâu? Bài nào?

Chủ tọa: Bài bàn về Đảng cầm quyền.

Cù Huy Hà Vũ: Nhắc lại là nói cho đúng.

Chủ tọa: Bài Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình của Đặng Thanh Ty, bị cáo có lưu không?

Cù Huy Hà Vũ: Không nhớ vì không có tài liệu trong tay.

Chủ tọa: Tại cơ quan an ninh điều tra, bị cáo có thừa nhận viết để đi tuyên truyền không?

Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị bỏ từ “thừa nhận” đi, tôi không có tuyên truyền cho ai cả. Theo Đại Từ điển, tuyên truyền là vận động mọi người làm theo, trong tài liệu tôi không có chuyện đó.

Chủ tọa: Những tài liệu cơ quan điều trra thu giữ là của bị cáo?

Cù Huy Hà Vũ: Không, đó là tài sản của vợ, con tôi. Trong ổ cứng máy tính có nhiều tài liệu tại sao lại thu giữ tất cả mà chỉ có lấy điều tra 10 tài liệu? Tại sao còn lại không trả lại? Việc giữ lại là bất hợp pháp, là cưỡng đoạt tài sản công dân.

Đại diện Viện Kiểm sát (VKS):… (Nói nhỏ nghe không rõ)

Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị nói to lên.

VKS: Trong 10 tài liệu bị cáo đã thừa nhận

Cù Huy Hà Vũ: Tôi không “thừa nhận” tôi chỉ “xác nhận” thừa nhận là do quá trình đấu tranh chịu thua mới thừa nhận, tôi chỉ xác nhận.

VKS: Bị cáo đã làm ra các tài liệu đó?

Cù Huy Hà Vũ: Tôi không làm ra, do các đài, báo họ làm ra.

VKS: Trên cơ sở nội dung bị cáo trả lời, người ta mới làm ra bài phỏng vấn

Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị Viện Kiểm sát nói to lên, không lẩm bẩm. Dõng dạc, đàng hoàng đi

VKS: Bị cáo viết lên với mục đích gì?

Cù Huy Hà Vũ: Tôi tố cáo 1 số người trong cơ quan nhà nước đã dùng tiền của của nhân dân để cướp đất khắp nơi. Tôi tố cáo các hành vi lạm quyền.

VKS:  Theo bị cáo, việc làm đó là đúng?

Cù Huy Hà Vũ: Tôi hoàn toàn đúng, làm sai, lạm quyền, thì tố cáo là bình thường.

VKS: Bị cáo có thấy đó là hiện tượng

Cù Huy Hà Vũ: Đây không phải là hiện tượng mà là hành vi, tôi còn chưa đủ thời gian sưu tầm nhiều, chứ đủ thời gian sưu tầm thì tôi chứng minh đầy đủ hơn, nhiều hơn những hành vi đó.

VKS: Trong bài…

Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị loại bài đó ra vì tôi viết chưa xong mà lấy làm chứng cứ buộc tội tôi?

Khi Cù Huy Hà Vũ đang nói thì đột nhiên mất điện.

Cù Huy Hà Vũ: Như ở trại giam nhỉ.

VKS: Bị cáo có trả lời đài..

Cù Huy Hà Vũ: Tôi có trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

Nguyễn Quốc Minh



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những bản tin khác:
VIỆC ĐẤU GIÁ [28.10.2022 10:07]



Lên đầu trang
 Tin mới-Tin mới-Tin mới 
NHỮNG QUỐC GIA ĐÃ CẤM TIKTOK
NGÀY 17-03-2023, TÒA HÌNH SỰ QUỐC TẾ RA TRÁT BẮT TỔNG THỐNG NGA VLADIMIR PUTIN | VOA TIẾNG VIỆT
SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2023 - LUẬT MỚI HAY VĂN BẢN MỚI ? - Tác giả Trương Huy San
CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 NGƯỜI ĐẸP TA VUI VẺ, AN LÀNH, HẠNH PHÚC
CHÚC MỪNG HÀI TẾT DƯƠNG LỊCH 2023 AI AI CŨNG VUI | OSIN NGÀY TẾT DƯƠNG LỊCH | XUÂN HINH - HỒNG VÂN - QUANG THẮNG - THANH THANH HIỀN...
Tin trên Google : Ngày Đêm 01/01/2023 - 31/12/2023
NGÀY ĐÊM CHÚC MỪNG NGUYỄN ĐĂNG HUÂN 3 TUỔI
CHÚC MỪNG - MÙA NOEL - ĐÓN CHÀO TẾT DƯƠNG LỊCH
Tổng thống Ukraine Volodymyr Oleksandrovych Zelesky-Người anh hùng thế kỷ 21
CÓ 800 TRIỆU TIẾT KIỆM VÀ 6 TRIỆU LƯƠNG HƯU HÀNG THÁNG, LẠI BỞI VÌ NHẤT THỜI NHANH MIỆNG DẪN ĐẾN LÚC TUỔI GIÀ VÔ CÙNG THÊ THẢM

 Lịch vạn sự 
Tháng
Năm 

Danh ngôn:
Người bình thường chỉ tạo ra những giá trị hang ngày. Còn người tài năng thì tạo ra những giá trị tương lai.
C.P.COOKE.

Bản quyền thuộc về : Nguyễn Quốc Minh - Doanh nhân Ngày Đêm