LÊ THIẾU NHƠN
Không ai dám tin, cùng một năm diễn ra đại hội nhà văn Việt Nam cùng đại hội nhà văn hai đô thị lớn TPHCM và Hà Nội sẽ giúp văn chương phát triển. Tuy nhiên, nếu không xem đại hội như một sự kiện văn hóa thì sẽ lãng phí tiền thuế của nhân dân. Ban chấp hành mới ắt có tư duy mới, nhưng tạm thời trước mắt vẫn phơi bày thực trạng, đội ngũ nhà văn nước ta đang già đi. Thử làm một cuộc khảo sát nhỏ có thể nhanh chóng xác định, thú vui chữ nghĩa cực kỳ dào dạt ở lứa tuổi bắt đầu cầm sổ hưu, mà tương đối thưa vắng ở lứa tuổi đôi mươi. Thời đại đã khác, danh xưng người hùng thuộc về doanh nhân chứ không phải văn nhân. Biết làm sao được, ở xứ sở vừa thoát khỏi đói nghèo, người ta phải tập làm đẹp cho bản thân bằng kiểu áo hợp mốt, kiểu xe hợp nhãn trước khi nhận ra tâm hồn cũng cần có sức quyến rũ nào đó. Bối cảnh ấy, buộc nhà văn vừa viết vừa nghĩ, viết cho hôm nay và nghĩ cho ngày mai.
Quá trình hội nhập thực sự có tác dụng tổng duyệt lại quân số của nhà văn Việt Nam. Sách dịch ra mắt chóng mặt, số lượng hoàn toàn áp đảo mà chất lượng cũng đe dọa những ảo tưởng bất tận của sách nội. Giải Nobel công bố tháng trước, thì tháng sau tác phẩm đã trình làng. Đọc cho kịp đã khó, mà viết cho kịp còn khó hơn. Bối rối có thật, nao núng có thật và bẽ bàng cũng có thật. Những trang văn vuốt ve, những câu thơ ỡm ờ rồi đến lúc phải chấm dứt. Cửa lớn đã mở, đón chờ tâm hồn lớn bay lên. Cái huy chương Fields của Ngô Bảo Châu giống như một lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng, trí tuệ Việt Nam ló dạng rồi, còn suy tư Việt Nam chìm khuất nơi đâu? Bao giờ giới cầm bút Việt Nam từ bỏ những trò tán dương bè cánh hoa mỹ, những loại giải thưởng ban phát bổng lộc, chưa ai khẳng định được. Chỉ thấy nhói lên một chút hy vọng, qua các trang web văn chương, ý thức chuyên nghiệp dần được hình thành và đẩy lùi những cái entry loạng choạng nhiều năm trước vẫn được tôn vinh là văn học mạng! Và sòng phẳng hơn có thể nói, các trang web văn chương góp phần thúc đẩy phẩm chất dân chủ và văn minh trong đời sống văn hóa! Không còn tổ chức văn học hay tờ báo văn nghệ nào được phép độc quyền phê bình, độc quyền bốc thơm bất cứ cá nhân hay tác phẩm nào. Đó là tín hiệu đáng mừng nhất để phấp phổng niềm tin văn chương nước nhà đang đứng gần sự chuyển động tích cực!
Với sự chi phối của các đơn vị xuất bản tư nhân, dòng sách chủ lực phải dựa trên tính hấp dẫn khơi dậy sự tò mò phía bạn đọc. Sau nhiều phen nghiêng ngửa, yếu tố sex trong văn chương bế tắc dần. Và dường như những trang viết nhục cảm lại phơi bày sự kém cỏi của tác giả rõ ràng nhất. Nhà văn Việt Nam chưa biết cách viết về sex, vì già hay trẻ cũng vấp ngã ngay cánh cửa run rẩy giới tính. Ví dụ cụ thể là “Sợi xích” và “Dại tình”. Cốt truyện không tệ, nhưng “Sợi xích” lỡ làng vì lối hành văn non yếu. Ngược lại, “Dại tình” có chủ ý cảnh tỉnh một lớp người đang trượt dài vào tha hóa và ít có khả năng tái sinh đạo đức, nhưng cách dùng đối thoại để phản ánh đời sống của những kẻ lầm lạc lại không tránh được thô tục. Độc giả hơi xót xa nhận ra, “Sợi xích” và “Dại tình”, sex trẻ và sex già đều là sex dỏm!
Không thua về yếu tố kích cầu, nhưng mạnh hơn về sức thuyết phục là dòng văn chương trinh thám, kinh dị với tên tuổi nổi bật của Di Li. So với bậc tiền bối từng theo đuổi thể loại này, Di Li có vẻ đa dạng hơn, vì cô kết hợp được hai yếu tố trinh thám và kinh dị. Mặt khác, Di Li cũng bỏ công chuyển ngữ nhiều tác phẩm nước ngoài, nên cô được học hỏi không ít về cách cấu trúc cũng như cách tạo điểm nhấn hồi hộp cho người đọc. Nổi lên với tiểu thuyết “Trại hoa đỏ”, nhưng đánh giá thật khách quan thì thế mạnh của Di Li lại nằm ở truyện ngắn. Sau tập “Điệu valse địa ngục” nhiều chi tiết ấn tượng nhưng thường kết thúc khập khiễng, tập “Chiếc gương đồng” chứng minh được bút pháp Di Li đã vững vàng hơn, qua các truyện ngắn “Bộ tóc giả” hay “Hoa mộc trắng”!
Liên tục tái bản sách cũ và vẫn ăn khách với sách mới là trường hợp Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Nhật Ánh. Hai nhà văn này đều đặn nhận nhuận bút hàng tuần từ nhà xuất bản. Sau truyện ngắn có dung lượng như truyện dài “Gió lẻ”, Nguyễn Ngọc Tư có thêm một đứa con tinh thần đầu tư kỹ lưỡng khác có tên gọi “Khói trời lộng lẫy”. Cách thay đổi thế giới nhân vật trong “Gió lẻ” tuy cũng có người thích nhưng dường như không thuận tay Nguyễn Ngọc Tư. Quay trở lại với mênh mông sông nước miền Tây, Nguyễn Ngọc Tư tung tẩy “Khói trời lộng lẫy” tương đối thú vị. Dù không có nhiều tình huống ám ảnh mạnh mẽ như “Cánh đồng bất tận”, nhưng “Khói trời lộng lẫy” xâu chuỗi tính cách và số phận nhân vật khéo léo hơn. Qua “Khói trời lộng lẫy” có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư không chỉ chinh phục bạn đọc nhờ khai thác những đặc thù đồng bằng sông Cửu Long, mà bằng sức lay động của một nhà văn trưởng thành về kỹ năng và văn phong!
Xác định phục vụ đối tượng tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh suốt 20 năm qua không thay đổi nhiều về tư duy nghề nghiệp. Đọc “Tôi là Bêto” vẫn hình dung được người viết “Chú bé rắc rối” hay “Bàn có năm chỗ ngồi”. Được đề cử nhận giải thưởng văn học ASEAN với “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” in năm ngoái, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục bao quát người mộ điệu bằng cuốn “Đảo mộng mơ” ấn hành đầu năm 2010 và cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ấn hành cuối năm 2010. Lao động của Nguyễn Nhật Ánh rất đáng nể. Số lượng sách bán được của Nguyễn Nhật Ánh cũng rất đáng nể. Và một nhà văn của công chúng rộng rãi như Nguyễn Nhật Ánh có thể xem như thước đo cho trình độ thẩm mỹ cộng đồng. Ngoài hiệu quả hò reo của các phương tiện truyền thông, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh ngự trị trên giá sách phần nào cho biết thẩm mỹ của độc giả Việt Nam thời gian qua vẫn còn vẹn nguyên. Thẩm mỹ ấy chưa chắc nâng lên bao nhiêu, nhưng chắc chắn không hao hụt chút nào!
Dẫu sao cái thẩm mỹ văn xuôi cũng dễ nắm bắt hơn cái thẩm mỹ thơ. Dù tiếng nặng tiếng nhẹ, dù trách móc giận hờn, thì thi ca vẫn có đời sống riêng. Trong nhịp điệu hối hả cuộc sống công nghiệp, thơ phải nhường vị trí đắc địa cho văn xuôi, nhưng không vì thế mà các loại tập thơ giảm bớt tốc độ rời khỏi nhà in. Mỗi năm Việt Nam in bao nhiêu tập thơ? Ngay cả Cục xuất bản cũng không hẳn có đáp án hoàn toàn chính xác. Vì sao thơ không phát hành được nhưng thơ liên tục được in, vẫn là một ẩn số vô cùng hào hứng xen lẫn chua chát. Phải thành thật thưa rằng, bây giờ người in thơ nhiều hơn người làm thơ, và người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ. Đắn đo mãi mới có thể nhìn ra trong làng thơ Việt Nam năm 2010 có một gương mặt cần nhắc đến là Nguyễn Phan Quế Mai, bởi lẽ cô xuất hiện chưa lâu nhưng nhận ngay hai sự tôn vinh: giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và giải nhất cuộc thi thơ nhân 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không mới về cách lập tứ cũng như không điêu luyện về ngôn từ, thơ Nguyễn Phan Quế Mai chảy vào lòng người đọc bằng một giọng nữ chậm rãi và buồn thương: “Ngả vào lòng em, nào mắt nào môi/ Môi anh thơm đòng lúa tháng Ba/ Mắt anh sáng ánh sao xa tháng Tám/ Thôi nào giọt nắng/ Đừng hóa bão tháng Năm”. Con đường thơ thăm thẳm, bàn chân Nguyễn Phan Quế Mai đã rời vạch khởi hành, ánh mắt cô đang nhìn phía chân trời nhưng vài câu thơ rơi lại sau lưng cô cũng đủ để công chúng chân thành hy vọng, chỉ cần Nguyễn Phan Quế Mai tự tin rút tỉa bớt những hình ảnh tản mát thì rung cảm thi ca sẽ bộc lộ sắc nét: “Con tim dại khờ, con tim để quên nhịp trong ngực một người qua phố/ Con đường dại khờ, con đường loanh quanh ngõ nhỏ”
Năm 2010 khép lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Ngoảnh lại một năm mà cơ hồ ngoảnh lại một thập niên. Hơi thở công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã ồ ạt tràn vào văn chương. Lối sống thực dụng, buôn bán thủ đoạn, đối đãi mánh mung… phản ánh đậm nét trong nhiều tác phẩm. Một thế hệ nhà văn tuổi ba mươi đang khao khát những đột phá bằng thái độ dứt khoát mổ xẻ những thói tật chi phố người thành phố lẫn người nông thôn. Tiểu thuyết “Kín” của Nguyễn Đình Tú, tiểu thuyết “Sát thủ online” của Nguyễn Xuân Thủy hay tiểu thuyết “Bờ xám” của Vũ Đình Giang đều là những trường hợp tiêu biểu. Rõ ràng giới cầm bút không hề né tránh việc nhận thức những giá trị nền tảng đang đổ vỡ và những cái ác đang nhuốm màu thị phi khác. Thế nhưng, sự khủng khoảng của văn chương Việt Nam suốt thập niên vừa qua không phải khủng hoảng đề tài cũng không phải khủng hoảng nhân vật, mà là khủng hoảng thi pháp. Để vượt qua khủng hoảng thi pháp, cách ứng phó hữu hiệu nhất của các tác giả hôm nay là nhúng bút vào sự thật!
Sài Gòn, cuối năm 2010
Nguồn :
Lethieunhon.com