Triết học và lịch sử - GS Hồ Ngọc Đại
06.02.2010 05:16
"Mấy ngàn năm nay, nhân loại bao giờ cũng đứng trước hai vấn đề: triết học (tinh thần) và lịch sử (vật chất). Nhà văn như các bạn là phải hiểu vật chất một cách rất tinh thần.
Tôi chẳng hiểu tại sao lại có thứ câu hỏi ngu xuẩn đến thế, không hiểu sao có loại nhà trường ngu như thế! Đấy là cứ đặt ra hai câu hỏi cho học sinh: vật chất có trước hay tinh thần có trước? Cái nào quyết định cái nào? Điên à! Như mấy anh nào cứ hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước ấy, hỏi để làm gì?"- GS Hồ Ngọc Đại.
(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại
tại trường viết văn Nguyễn Du. Giáo sư đầu bạc trắng, áo trắng, quần
trắng, giọng nói sang sảng, giọng điệu hài hước và thẳng thừng).
5
điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan
giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị
quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/
phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con
người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính
mình.
Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn
tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị. Thơ dù đề là “Vô đề/
Không đề” thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề
là “Triết học và lịch sử”.
Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất
trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng
ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã
có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu
quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ
là mình được tự do.
Anh ngồi yên ở đây, anh phải chịu sức ép của
không khí, phải chịu lực hút của Trái Đất. Ta thấy điều đó là tự
nhiên, ai cũng phải chịu những sức ép ấy, vậy là chẳng ai phải chịu
sức ép cả.
Quay lại với triết học và lịch sử. Tính triết học được
hiểu là cái lý cuối cùng của cuộc đời (không thấy được bằng mắt); còn
lịch sử được hiểu là cái có thật, cái đã/đang/sẽ có thật, hoàn toàn
trần trụi.
Mấy ngàn năm nay, nhân
loại bao giờ cũng đứng trước hai vấn đề: triết học (tinh thần) và lịch
sử (vật chất). Nhà văn như các bạn là phải hiểu vật chất một cách rất
tinh thần.
Tôi chẳng hiểu tại sao lại có thứ câu hỏi ngu xuẩn
đến thế, không hiểu sao có loại nhà trường ngu như thế! Đấy là cứ đặt
ra hai câu hỏi cho học sinh: vật chất có trước hay tinh thần có trước?
Cái nào quyết định cái nào? Điên à! Như mấy anh nào cứ hỏi con gà có
trước hay quả trứng có trước ấy, hỏi để làm gì?
Lịch sử và
triết học tương đương nhau. Hegel nói: “Lịch sử và triết học là hai
hình thái tương đương nhau”. Anh chị chú ý chữ “hình thái”, hay là
“hình thức” ở đây. Hôm nay tôi mặc áo màu trắng, ngày mai tôi mặc áo
đỏ, hoặc có lúc nào có chị gặp tôi không mặc áo gì cả, vẫn nhận ra tôi.
Bởi đó chỉ là hình thức thôi.
Triết học và lịch sử có sự chuyển
hóa lẫn nhau. Ngày xưa vợ chồng gọi nhau là “mình” là triết học nhất.
Mình mà lại không phải là mình. Bây giờ không còn gọi nhau như thế là
bởi nhiều mình quá. Và phải hiểu rằng khi gọi “thằng chồng” là đã ám
chỉ có “con vợ” ở trong rồi.
Tư duy quá rạch ròi tạo ra trình độ
thấp. Cái nhìn thấy chứa cái không nhìn thấy.
(Giáo sư giơ cánh
tay lên) Tôi đố các anh các chị đây là cái gì? (Hội trường: cánh
tay). Cánh tay à? À, tôi nghe thấy có chị nào bên dưới bảo đây là cái
gối. Đúng đấy, với riêng chị có thể đây là cái gối. Với người khác có
thể là gọng kìm, là quả đấm.
Hiểu rõ hai vấn đề, nhìn thấy hai
mặt của một sự việc, các anh chị sẽ viết văn thoải mái hơn. Trên đời
không có cái gì tồn tại đơn độc hết. Trong đời, cư xử cũng chính là
một dạng triết học. Như tôi, giảng bài cho các anh các chị thì là Giáo
sư, nói những gì, quay ngang quay dọc ra sao, nhìn ngó thế nào. Tôi
về nhà, vợ gọi: “Đại đâu?” là phải “Dạ!” ngay (GS khoanh tay cúi đầu),
không thì chết với nó.
Tiếp theo, tôi xin nói về “Siêu hình,
biện chứng”. Hegel nói, “Toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp”.
Có hai phương pháp cơ bản: siêu hình và biện chứng. Siêu
hình.
Hegel được coi như “ông trùm của duy tâm”. Ông nói:
“Các nhà triết học phê bình tôi, họ tưởng tôi cũng ngu như bọn duy
vật”.
VD: các cô trong đây giữ cho mình một cái ảnh trẻ nhất, đẹp
nhất, mỗi khi ai hỏi thì đem ra khoe, hoặc yêu mến ai đem ra tặng.
Các cô ngày thường có thể đanh đá, chua ngoa cau có, nhưng bức ảnh
chụp lại một tích tắc đẹp và chặn đứng sự vận động của nó (siêu hình).
Cái ảnh đó là sự thật, không hề bịa, nhưng lại sai (ngày thường con
bé đành hanh, sao trong ảnh lại hiền dịu thế). Biện chứng.
Tức là để sự vật vận động và nghiên cứu nó trong lịch sử. Như thế
thật mà không thật. Xem phim là một điển hình về biện chứng giả (thực
chất là những siêu hình kế tiếp).
Mấy nghị quyết của Nhà nước giả
là vì thế: cuộc sống vận động, nhưng nghị quyết thì đứng. Ngu thế
chứ! Điển hình của sự sống là luôn luôn vận động. Hãy xem những nghị
quyết như những cuốn tiểu thuyết. Hai đứa đấy lúc đầu gặp nhau thì
chúng nó vui, chắc gì cả đời còn lại chúng nó vui?
Mà tư duy
kiểu Việt Nam: không sai là đúng, không đúng là sai, có chết không.
Trong văn chương, anh không bao giờ là anh thì anh mới là anh. Anh
luôn luôn là anh thì anh chết. Sự ổn định chỉ là ước lệ.
Như
vậy, hãy tin vào Triết học, nhưng cũng không nên tin vào Triết học.
Không phải đi đâu xa, cuộc sống chính là lịch sử. Ta sinh ra từ đó
và ta sống chết với nó. Cho nên các bà già nông thôn triết học lắm.
Triết học cao thì nhìn cuộc sống rõ. Cuộc sống đích thực thì triết học
mới cao được.
Ở thế hệ của chúng ta, cuộc sống vận động rất
nhanh. Marx nói: “Rồi có lúc một ngày bằng 20 năm”, chính là lúc này
đây.
Marx nói: “Lịch sử là tự nhiên”. Khái niệm “lịch sử” ở đây
chính là cuộc sống thực, là thực tiễn, là hiện thực, là hiện thực
khách quan, như các anh chị thường dùng. Hồi đó Marx tí tuổi đầu, chưa
tới 30, mà một ông GS 70 tuổi vẫn phải trích dẫn (ý GS tự nói mình)
thì các anh chị biết là Marx giỏi thế nào.
Triết lý cuộc sống
hết sức đơn giản: muốn gì thì gì, cứ phải sống đã. Engels nói: “Sống
là sự trao đổi chất”. “Trao đổi” tức là phải có hai bên, có chất trao
đổi, có sự vận động về thời gian và không gian. “Lịch sử là tự nhiên”.
Thế tức là cái gì tự nhiên nhất thì vĩ đại nhất.
Cứ nống lên là
vĩ đại à? Việt Nam buồn cười. Thi đua khác nào kiễng chân lên, có tăng
được chiều cao đâu. Nước ta thế, khẩu hiệu càng nhiều, đất nước càng
khốn nạn.
Năm 69,70 gì đó, tôi sang Liên Xô học. Những người bạn
Liên Xô nói với nhau: “Các bạn ơi, chúng ta nên thương anh Đại. Cái mà
chúng ta sắp đổ rồi thì anh Đại sang học”.
Họ khuyên tôi nên
đọc Platon, Kant, Hegel, Marx – chỉ cần đọc 4 ông ấy thôi – và chú
thích cách đọc: thứ nhất, lúc nào chán không còn việc gì làm nữa thì
hẵng đọc; thứ hai, đừng đọc theo hệ thống, hãy đọc lung tung bạ đâu
đọc đấy. Tôi không hiểu nổi những lời khuyên của họ. Nhưng chính cách
đọc ấy làm tôi mở rộng tư duy, không theo khuôn thước nữa.
Các
giáo trình triết học bây giờ buồn cười, bảo sai thì không sai, nhưng
mà học chẳng để làm gì.
Có mấy người mời tôi đến dạy, sợ không đủ
thù lao. Trời ơi, sinh viên là thù lao lớn nhất đối với tôi. Mà chính
ra họ sợ tôi đến làm loạn sinh viên. Sinh viên là bọn dễ nổi loạn
nhất.
Trong trường học, các anh chị toàn dạy Dao, Kéo cả, chẳng
thấy Mác (Marx) đâu hết.
Marx nói: từ trước đến giờ, các cuộc
cách mạng đều là của số ít, không thấy cuộc cách mạng nào là của số
đông. Ông hi vọng ở cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhưng về sau ông thất
vọng.
Các anh chị xem này, lúc đầu có hai loại người là “chủ nô
và nô lệ”. Hai loại này bị thay thế bởi “địa chủ và nông dân”. Hai
loại này lại bị thay thế bởi “tư sản và vô sản”. Thế bây giờ muốn tư
sản chết mà mỗi vô sản sống thôi à? Vô lý! Thằng đấy chết phải có
thằng khác thay vào, hoặc là phải có hai thằng mới.
Có phải về
mặt triết học, “nông dân” là phản động, bởi họ đại diện cho phương
thức sản xuất cũ nên phải hủy bỏ không?
Ông …. hỏi tôi có gì
trách Đảng không. Tôi bảo, tôi giận chứ tôi không trách, mà tôi quý
tôi mới giận. Thứ nhất, ngàn đời nay Việt Nam toàn nông dân, nhưng
chính sách với nông dân tệ quá. Các vị cũng từ nông dân mà ra chứ đâu.
Thứ hai là chính sách với trí thức. Bọn này cực kỳ yêu nước, chỉ phải
tội chúng nó hay chửi lung tung, thì Đảng hay cà khịa với chúng nó.
Lúc đầu trên đời không có gì hết, chỉ là một thế giới vô cơ. Sau đó
xuất hiện sự sống hữu cơ, rồi có thực vật và động vật. Lịch sử luôn
sáng tạo ra cái mới. Đến khi con người ra đời thì toàn bộ cơ sở tự
nhiên đã có rồi.
Về mặt lịch sử, ta có cơ thể người. Về mặt
triết học, ta có “phạm trù người”.
Người là sản phẩm sau cùng
của lịch sử tự nhiên. Việc mà toàn bộ lịch sử tự nhiên làm suốt tỉ tỉ
năm qua thâu tóm vào trong CÔNG NGHỆ SINH ĐẺ. Đó là tinh túy của lịch
sử.
Ta biết rằng ông Trời làm khoán, rất chắc chắn, an toàn tuyệt
đối: con bò sẽ đẻ ra con bò, con vịt lại đẻ ra con vịt,… Và muôn loài
cho gì hưởng nấy.
Riêng con người tự sinh ra mình, qua lao
động. Loài người là loài ương bướng.
Con khỉ đầu tiên đi bằng
hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm.
Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi
ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm
cười: “Thể nào nó chẳng ngã?”.
Nhưng có xe đạp, loài người mới
được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay, đỡ sức.
Nói
về chữ “RA SỨC”. “Ra sức” để làm gì, ngu muội! Tôi đi ô tô, tôi nhẹ
nhàng khởi động xe, không việc gì phải dùng sức hết. Thế lẽ ra phải đề
cao mấy thằng “không ra sức”, đằng này lúc nào cũng hô hào “ra sức”,
có điên không.
Con người ta vĩ đại là ở tinh thần, không ở thể
xác. Ông Marx cao có 153cm, nếu đi thi hoa hậu thì ông cao vừa đến eo,
mà với mãi hai tay lên chưa chắc đã với được đến chỗ cần với. Nhưng
ông vẫn vĩ đại. Như vậy là tinh thần quan trọng hơn cơ thể.
Tôi
nói câu này: “Con người là một thực thể tinh thần” – cái này nhiều
ông sợ không dám nói. Con người là một thực thể tinh thần, do đó loài
người tự sinh ra mình, bất chấp Kinh Thánh.
Ta quen “Lạy Trời mưa
xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,…” Tư duy hèn hạ. Lại còn
“Nước, phân, cần, giống”, nghe thì rất vĩ đại khi khái quát nó lên,
nhưng đồng thời cũng rất chung chung. Bao nhiêu “nước”? “Phân” lúc
nào?
(Quay lại công nghệ sinh đẻ) Cuối thế kỷ XIX, người ta phát
hiện ra cơ chế thụ thai. Trước đó thì có con là việc trời cho. Bây giờ
muốn lúc nào có lúc đấy, có hay không đều được. Bây giờ “coi trời
bằng vung”, dám làm rồi.
Và có công nghệ sản xuất vật chất thì
ắt phải có công nghệ sản xuất tinh thần.
Người ta hỏi tôi: 30,
40 năm qua, anh làm được gì? Tôi đáp, ngần ấy năm tôi chỉ làm được có
ba chữ thôi.
(Ba chữ gì?)
Có ba chữ thôi.
(Nhưng là
ba chữ gì?)
HỒ NGỌC ĐẠI!
(cả hội trường ồ lên vỗ tay).
Tôi xin kết thúc bài giảng ở đây.
(tôi cũng xin kết thúc bài
ghi ở đây).
Nguồn: Blog Nguyên đầu bạc, http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/post/1958/153914
Văn bản do nhà văn Châu Diên cung cấp
Bác
tin đồn về Tướng Giáp
Nguyễn Quốc Minh |