Phạm Toàn
Năm giờ chiều, tôi tới nhà Huệ Chi. Tôi định
bụng hôm nay sẽ ở đây chờ cho tới khi Huệ Chi được trả về. Thế là bỗng
dưng tôi có hơn ba tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với chị Hưng. Lâu nay,
chị Hưng là con người nhẹ nhàng lặng lẽ sống bên cạnh một Huệ Chi sôi
nổi. Và lâu nay, tôi vẫn định ninh chị là con người chỉ cần nhẹ nhàng
lặng lẽ như vậy là đủ. Lâu nay tôi không nhìn thấy một sức sống khác
trong người đàn bà vô cùng hiền dịu ấy.
Ngày thứ bẩy, 16 tháng 1 năm 2010, tôi dậy làm việc sớm hơn bình
thường một chút, nghĩa là vào hồi 1 giờ sáng. Lý do thế này thôi: cuối
tuần, có nhiều người hẹn đến chơi. Đến chơi thăm riêng tôi thì ít, mà
cốt đến để hỏi thăm “sức khỏe” Huệ Chi thì nhiều. Nhìn những người quen
cũ dắt díu đến cho mình những người quen mới, tất cả đều trẻ trung và
có học và có lý tưởng sống rất đàng hoàng, bỗng dưng lại nghĩ đến
Gustave le Bon tác giả cuốn Tâm lý đám đông in ở cái nhà xuất
bản trong mơ của đám trí thức gộc ở Hà Nội. Ai đó nếu chịu khó đọc cuốn
sách đó hẳn sẽ hiểu ít nhất điều này: dư luận xã hội có giá trị gì
trong đời sống một quốc gia.
Tôi bảo các cô các cậu ấy rằng, hôm nay Huệ Chi vẫn được mời đi “làm
việc”. Và chắc là cũng như mấy hôm vừa qua, người ta vẫn cố ý kéo dài
cuộc “làm việc” cho mãi tới lúc tối sầm tối sì. Một đòn tâm lý đấy
thôi, sao cho ông đồ gàn cựu Trưởng ban Văn học Cổ-Cận đại, nguyên chủ
tịch Hội đồng Khoa học ấy phải mệt mỏi tấm thân dẫn tới mệt mỏi tấm
lòng. Sự mệt mỏi có dẫn đến những Sự Thật cần tìm kiếm không nhỉ? Sai
lầm biết bao nhiêu khi nghĩ rằng tâm lý Huệ Chi cũng giống hệt như tâm
lý kẻ thường phạm nửa đêm bị dựng dậy để yêu cầu trả lời thêm một chi
tiết vô thưởng vô phạt nào đó. Liệu những đòn tâm lý thông thường đó
đối với những đầu óc quen tự do và độc lập có dẫn tới Sự Thật không? Sự
Thật gì? Sự Thật về những điều chỉ diễn ra trong đầu những kẻ mà nếu
được tự do biểu đạt thì “cái lũ người xớ rớ” ấy sẽ tạo thành những think tank đủ sức tạo ra vô vàn giá trị cho đất nước.
Bây giờ tôi xin kể tiếp các bạn nghe về chị Hưng, phu nhân của giáo
sư Huệ Chi. Điều này có nguyên nhân: hôm nay là ngày thứ bẩy cuối tuần,
ngày của nghỉ ngơi, ngày của sum họp. Trưa thứ bẩy, tôi gọi điện cho
Phạm Xuân Nguyên, dặn “hôm nay Nguyên ở gần chạy qua chị Hưng một tý
nhé”. Hóa ra là dặn dò cũng thừa: Nguyên đầu bạc đã ngồi ở nhà Huệ Chi,
ăn trưa với chị và mở internet cho chị Hưng đọc những bài mới.
Năm giờ chiều, tôi tới nhà Huệ Chi. Tôi định bụng hôm nay sẽ ở đây
chờ cho tới khi Huệ Chi được trả về. Thế là bỗng dưng tôi có hơn ba
tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với chị Hưng. Lâu nay, chị Hưng là con
người nhẹ nhàng lặng lẽ sống bên cạnh một Huệ Chi sôi nổi. Và lâu nay,
tôi vẫn định ninh chị là con người chỉ cần nhẹ nhàng lặng lẽ như vậy là
đủ. Lâu nay tôi không nhìn thấy một sức sống khác trong người đàn bà vô
cùng hiền dịu ấy.
Tôi bắt đầu vỡ nhẽ khi chị kể con gái ở Mỹ gọi điện về hàng ngày. “Nó
thương bố nó lắm anh ạ. Nó khóc suốt. Lần nào gọi điện về nó cũng khóc.
Nó bảo: đất nước gì mà kỳ cục. Chưa có tội đã xông vào nhà người ta mà
khám xét rồi lại mang tài sản của người ta đi nữa. Nó giục tôi: hàng
ngày mẹ phải đi theo bố, ngồi bên cạnh bố ấy, xem họ hỏi bố những gì,
hễ thấy huyết áp bố lên cao thì bắt họ dừng lại, không cho họ hỏi han
gì nữa…”
Và chị Hưng bảo tôi, lần đầu tiên kể từ khi quen biết vợ chồng nhà này, tôi được nghe chị phân tích lối khái quát. Chị nói: “Người
dân nào thì cũng suy nghĩ như cháu cả thôi. Người dân thì chỉ biết đến
hạnh phúc của riêng mình, của gia đình mình, thế thôi…” Chị kể
về lý do tại sao lúc này con gái chị lại vẫn phải ở nước ngoài. Cháu
theo chồng ra nước ngoài làm việc, nó thì vừa đi làm vừa chữa bệnh, một
chứng bệnh nan y ở trong nước chẳng những không phát hiện ra mà có tìm
ra thì cũng chẳng có cách chữa.
Tôi hỏi chị về cái bệnh đúng ra chỉ có thể gọi là một chứng đó, vì “bệnh” không do vi trùng hoặc vi khuẩn gây ra. Chị giảng giải cho tôi, đó là hội chứng có tên gọi Lupus ban đỏ. Hội
chứng đó (LED, lupus érythémateux disséminé) hiện ra qua những vết phát
ban màu đỏ trên cơ thể. Đó là một “bệnh” tự miễn dịch mãn tính.
Bằng một giọng hài hước, chị giảng giải tiếp: “Cái bệnh này kỳ
cục lắm. Cơ thể mình có đủ hệ miễn dịch như mọi cơ quan đoàn thể khác.
Thế nhưng cách làm việc của các cơ quan đó lại khác đời lắm: nó không
chống lại sự xâm nhập đích thực của vi trùng hoặc vi khuẩn từ bên ngoài
vào. Cái gì xấu nhập từ ngoài vào thì nó để mặc, và khi đó nó lại ra
tay chống lại các tế bào lành mạnh sẵn có trong cơ thể của ta.”
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe chị nói như vui đùa: thế đấy, ông Huệ Chi có thể bị ghép tội, nhưng Vedan thì được khen.
Chị lại cho tôi một con số đã sưu tầm được: “anh biết không: chín mươi phần trăm người mắc chứng Lupus phát ban đỏ là đàn bà con gái.” Đến
lúc này thì con người tầm thường hiếu thắng trong tôi không thể để mình
chịu thua chị Hưng; tôi cũng chen vào một bình luận: “Thì ông Huệ Chi là đàn bà mà! Chẳng có thư đến tận nhà gửi Bà ấy sao?” (*)
Hai chúng tôi cười bò ra. Và tôi rất mừng khi thấy chị Hưng hôm nay
hoàn toàn khác cái hôm mới bị khám nhà và lấy đi mất cái máy chủ. Tiếng
cười của chúng tôi chỉ bị cắt ngang vì khách khứa. Học trò của Huệ Chi
mấy tiến sĩ cùng mấy đứa cháu kém dăm phút đầy một thạc sĩ hoặc một
tiến sĩ vào buổi tối thứ bẩy thiêng liêng cùng kéo đến xem “bà ta” về chưa. Tám giờ mười lăm, chuông bấm ba tiếng, đó là tín hiệu “bà ta” gọi cửa. Cả nhà reo ầm ầm như có giặc tới và chuẩn bị hệ miễn dịch Lupus nghênh đón cho xứng với diễn biến của giặc.
Huệ Chi bước vào, đứng giữa nhà giơ hai tay lên trời thông báo, mặt hớn hở như cậu học trò lười: “Ngày mai được nghỉ!” Thì vưỡn! Ngày chủ nhật là ngày nghỉ. Cái lệ thường đó của nhân loại chẳng dễ gì vi phạm đâu!
Hà Nội 17-01-2010
Phạm Toàn
(*) Chú thích của Diễn Đàn : tháng 5.2009
trả lời bản kiến nghị về bauxite do Nguyễn Huệ Chi và các bạn gửi Quốc
hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã gửi thư về cho GS… Nguyễn Thị Huệ
(địa chỉ thì đúng là địa chỉ của GS Nguyễn Huệ Chi)