(*) Dương Danh Dy - Nguyên là viên chức nhiều thập kỉ trong ngành ngoại giao Việt Nam. Trước khi về hưu năm 1996, ông là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tất nhiên mọi nhận định, ý kiến trong bài này là của riêng tác giả, hoàn toàn độc lập với quan điểm chính thức hay không chính thức của chính phủ Việt Nam, hiện tại cũng như trong quá khứ.
I.Một
số điều nên lưu ý khi nghiên cứu Trung Quốc đương đại
Trung Quốc là một nước lớn, 9,6 triệu
km vuông, chiếm 1/5 diện tích thế giới, 1/4 diện tích châu Á, đứng thứ 3 thế
giới (sau Nga và Canada).
Trung Quốc hiện có khoảng 1,3 tỷ dân (là nước đông dân nhất thế giới, chiếm
khoảng 1/5 nhân loại) dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 1,5 - 1, 6 tỷ dân
(lúc đó sẽ đứng thứ hai thế giới sau Ấn Độ).
Trung Quốc là nước có đường biên giới
trên đất liền tiếp giáp với 19 nước, dài trên 20.000 km, và bờ biển dài 18.000
km. Từ đầu những năm 60 đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc
đã chủ động gây ra 3 cuộc chiến tranh biên giới trên bộ (với Ấn Độ, Liên Xô
cũ và Việt Nam). Đến nay Trung Quốc còn tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ (theo
phía Ấn Độ thì Trung Quốc đã chiếm của họ hàng vạn km vuông lãnh thổ, trong khi
Trung Quốc cho là họ chỉ thu hồi lại phần đất mà trước đây thực dân Anh đã
chiếm của họ một cách bất công). Trung Quốc đang tranh chấp về chủ quyền
đảo, biển với nhiều nước, nổi bật là chủ quyền đảo Senkaku (Điếu Ngư) với
Nhật Bản (hiện nay Nhật Bản đang chiếm giữ đảo này), quần đảo Hoàng Sa với Việt
Nam, quần đảo Trường Sa với Việt Nam và một phần quần đảo này với Phi-líp-pin,
Brunei, Malayxia, Đài Loan, với Indonesia và (Bắc) Triều Tiên, Hàn Quốc có việc
phân chia lãnh hải. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1974) và 6 bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của
Việt Nam (năm 1988). Trong tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc đã từ chỗ chưa
bao giờ có, nay đã đứng vững trên quần đảo Hoàng Sa và có chỗ đặt chân trên
quần đảo Trường Sa, thể hiện chủ quyền thực tế.
Trung Quốc hiện đã trở thành cường quốc
kinh tế, năm 2004, GDP đạt 13.615,5 tỷ NDT (khoảng 1665 tỷ USD), sản xuất được
970 triệu tấn xi măng, 175 triệu tấn dầu mỏ, 272 triệu tấn thép, 73,28 triệu
tivi màu, 30,38 triệu tủ lạnh, 66,42 triệu điều hòa không khí, 42 tỷ mét vải
v.v.., kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1154,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu 593,4 tỷ
USD, nhập khẩu 561,4 tỷ, xuất siêu 32 tỷ USD); dự trữ ngoại tệ đạt 609 tỷ
USD (năm 2002 đạt 270 tỷ USD, năm 2003 đạt 403,3 tỷ, trong 3 năm liền tăng với
tốc độ rất cao). Trung Quốc đã là nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới, năm
2004 đạt trên 60 tỷ USD. Việc Trung Quốc được mời vào nhóm G7 đã là hiện
thực.
Sau Nga và Mỹ, Trung Quốc là cường quốc
quân sự hàng đầu trên thế giới, có bom nguyên tử, bom khinh khí và phương tiện
mang các vũ khí này tới mọi nơi trên thế giới; sau Nga và Mỹ, Trung Quốc đã tự
đưa được người của mình vào vũ trụ.
Trung Quốc là một cường quốc chính trị
(Nhật Bản hiện giàu mạnh hớn Trung Quốc về kinh tế nhưng Nhật Bản chưa được thế
giới coi là cường quốc về chính trị) là thành viên thường trực của Hội đồng bảo
an Liên Hiệp Quốc, là nước có ảnh hưởng không thể bỏ qua trong khu vực (Đông
Nam Á và Đông Bắc Á).
Trung Quốc là một trong mấy nước có nền
văn minh cổ xưa huy hoàng nhất thế giới, nền văn minh đó có lúc lên lúc xuống,
nhưng trước sau vẫn nổi tiếng, xưa nay chưa bao giờ gián đoạn, và có triển vọng
phát triển rực rỡ trong thế kỷ 21, Trung Quốc còn có hơn 30 triệu người Hoa ở
khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều tỷ phú, nhiều nhà khoa học nổi tiếng
v.v..
Tuy vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt
với mấy vấn đề: An toàn về dầu mỏ, an toàn về nước và an toàn về lương
thực.
Mặc dù năm 2004, Trung Quốc đã sản xuất
được 176 triệu tấn dầu mỏ, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 100 triệu tấn.
Trung Quốc đã là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai, sau Mỹ. Dự kiến đến
năm 2010, lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi, đạt 4
triệu thùng/ngày và đến năm 2030 vào khoảng 10 triệu thùng/ngày.
Nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc chỉ
chiếm khoảng 6% thế giới, bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 trung bình thế giới.
Dự tính vào khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh cao về sử dụng nước, và
lượng nước dùng lúc đó đã đến cực hạn của nguồn nước có thể lợi dụng.
Mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm
Trung Quốc mất khoảng 300.000 ha đất canh tác, trong khi dân số mỗi năm tăng
khoảng 10 triệu người, người tăng đất giảm, nên việc cung cầu lương thực ở
Trung Quốc đã và sẽ luôn ở trạng thái cân bằng căng thẳng.
Trung Quốc là đất nước có đủ loại
tôn giáo, trong đó đạo Phật rất được tôn sùng ở Tây Tạng, đạo Hồi ở Tân Cương,
Ninh Hạ có nhiều khả năng tự phát, hoặc bị lợi dụng để phát triển thành mâu
thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn dân tộc, các tà giáo (như Pháp Luân Công...) còn có
đất phát triển.
Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng,
giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng mở rộng.
Một bộ phận quần chúng, chủ yếu là nông dân nghèo, công nhân viên chức bị mất
việc trong quá trình cải cách có tâm lý bất mãn (năm 2004 đã xảy ra nhiều vụ
biểu tình, tuần hành của thôn dân ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Nam..) với hàng
chục vạn người tham gia, gây mất ổn định cục bộ.
Qua một số số liệu và tình hình trên,
có thể thấy Trung Quốc đã trở thành một cường quốc chính trị, quân sự, kinh tế
trên thế giới có vai trò đặc biệt ở khu vực. Địa vị cường quốc đó ngày một lớn
và triển vọng trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ trong khoảng hai mươi năm
nữa không phải là không có khả năng.
II. Vài nhận định căn bản về liên hệ giữa
Trung Quốc và Việt Nam
Trước khi đề xuất kiến nghị về chính sách và đối sách có tính lâu
dài, cần thấy rõ, làm rõ một số vấn đề sau:
A. Chiến
lược, sách lược, sức mạnh của Trung Quốc đến năm 2020
Cần phải thấy sự tan rã của Liên Xô,
kết thúc chiến tranh lạnh là một cơ hội “trời cho” đối với Trung Quốc. Để thoát
khỏi thế hai cực thống trị thế giới hình thành sau đại chiến thế giới thứ hai,
thoát khỏi kiềm chế của Liên Xô và Mỹ trong những năm 50, 60, 70 của thế kỷ
trước, cấp lãnh đạo Trung Quốc (từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình) đã tìm
trăm phương ngàn kế nhằm nhoi lên thành một cực, một siêu cường nhưng chưa thực
hiện được. Liên Xô tan rã, một cực, một siêu cường mất đi. Đây là cơ hội vàng
để Trung Quốc nhoi lên thành siêu cường mới (nước Nga còn rất yếu về kinh tế,
Nhật Bản chưa đủ sức mạnh về quân sự và dã tâm chưa rõ, EU là một thực thể mạnh
về kinh tế, nhưng không thống nhất v.v..) Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng
sự tăng trưởng lớn mạnh về kinh tế của mình có thể giữ được tốc độ cao và tương
đối cao liên tục trong 40 năm (từ năm 1980 đến năm 2020) để đến lúc đó, Trung
Quốc trở thành cường quốc hàng đầu về kinh tế trên thế giới (Theo tính toán
của Ngân Hàng Thế Giới năm 1997 thì đến năm 2020 GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ,
còn theo tính toán của Hồ An Cương – một nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc
thì đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một thực thể kinh tế lớn nhất thế
giới, chiếm 22% GDP thế giới – của Mỹ lúc đó chỉ là 20%, còn nếu tính theo sức
mạnh tổng hợp đất nước (tức năng lực tổng hợp của một quốc gia thông qua những
hành động có mục đích nhằm theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình)) năm 1998
của Mỹ là 22,7% của thế giới. Đứng đầu thế giới, của Trung Quốc là 7,78% đứng
thứ hai thế giới trên cả Nga, Ấn Độ. Đáng chú ý là nếu năm 1980, sức mạnh tổng
hợp đất nước của Trung Quốc mới bằng 1/5 của Mỹ, thì đến năm 1998, Trung Quốc
đã bằng 1/3 của Mỹ, tức là trong 20 năm, Trung Quốc từ chỗ kém Mỹ năm lần rút
ngắn còn ba lần thôi.
Trung Quốc cho rằng “Hòa bình và phát
triển vẫn là chủ đề chính của thời đại. Sự phát triển đa cực hóa thế giới và xu
thế toàn cầu hóa kinh tế mang lại cơ hội và điều kiện có lợi cho hòa bình và
phát triển của thế giới. Đại chiến thế giới mới sẽ không xảy ra trong khoảng
thời gian có thể dự tính được. Việc tranh thủ môi trường quốc tế lâu dài và môi
trường xung quanh tốt đẹp là có thể thực hiện được”.
Ngoài những chủ trương lớn như độc lập,
tự chủ, gìn giữ hòa bình, xây dựng trật tự kinh tế công bằng hợp lý, cải thiện
và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, nước đang phát triển, chống chủ
nghĩa khủng bố v.v.. ra, cần chú ý đến những nguyên tắc của họ: “Ai cũng không
sợ, nhưng không làm mếch lòng ai “Quyết không đi đầu”...
Để thực hiện mục tiêu chiến lược “Dân
giàu nước mạnh” đưa Trung Quốc trở thành siêu cường, cạnh tranh vai trò siêu
cường duy nhất của Mỹ hiện nay, Trung Quốc dốc nhiều tâm sức vào việc đối phó
với đối thủ hàng đầu là Mỹ và một số đối thủ tiềm ẩn khác như Nhật, Nga, Ấn
Độ... Tuy vậy, Trung Quốc không “bỏ qua” Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của
họ.
B. Trung Quốc muốn gì ở Việt Nam?
Việt Nam có trên 1.300 km biên giới
trên bộ với Trung Quốc, ngoài ra với hơn 3.000 km bờ biển, án giữ Biển Đông,
chúng ta là nước duy nhất (không kể Đài Loan) có tranh chấp về chủ quyền với
Trung Quốc toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ khi Việt Nam tiến hành
cải cách và đổi mới, đặc biệt là sau khi gia nhập ASEAN, bình thường quan hệ
với Mỹ, tích cực chuẩn bị gia nhập WTO, chúng ta đã có vai trò đáng kể ở Đông
Dương và khu vực Đông Nam Á. Đó là một sự thực mà Trung Quốc không thể xem
thường. Mặc dù hai nước đã thỏa thuận xây dựng quan hệ Việt – Trung theo phương
châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng
tới tương lai” nhưng qua những diễn biến kể từ khi hai nước bình thường hóa
quan hệ đến nay, có thể thấy:
- Yêu cầu tối đa của Trung Quốc là biến
Việt Namthành một đồng minh trung thành của họ (trường hợp tốt hơn nữa là “tay sai tin
cậy” của họ).
- Yêu cầu trung bình của Trung Quốc là
không muốn Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, trở thành nước cạnh tranh về kinh
tế với Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu
vực.
- Yêu cầu tối thiểu tức là khi họ không
ngăn được sự phát triển nhanh về mọi mặt của ta thì Việt Nam giữ được vị
trí trung lập, không đi theo các nước lớn khác chống Trung Quốc.
Cần thấy thêm là ban lãnh đạo Trung
Quốc hiện nay (và có thể thế hệ sau), không tin ta, một bộ phận Trung Quốc nhất
là thế hệ trẻ không còn cảm tình với ta như trước (do bị giáo dục sai lệch từ
cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đến nay), khi muốn “gây sự” với Việt Nam,
Trung Quốc không cần phải chuẩn bị dư luận nội bộ. Trung Quốc là nguy cơ
trực tiếp nguy hiểm nhất về lãnh thổ, lãnh hải của ta.
3. Việt Nam nên nhận thức Trung Quốc
như thế nào?
Trung Quốc là một nước lớn (sẽ trở
thành siêu cường) láng giềng chung đường biên giới trên bộ – biển (Mỹ là siêu
cường ở xa ta, nên mức độ nguy hiểm giảm đi nhiều). Đừng quên bài học đối đầu
với nước lớn láng giềng Trung Quốc trong mười mấy năm qua.
Trung Quốc là nước còn tồn tại nhiều
vấn đề với ta nhất; ngoài lãnh thổ, lãnh hải, biển đạo còn các vấn đề “nạn
kiều” (280.000 người rời Việt Nam, trong đó có những người có công với cách
mạng Việt Nam) người Hoa (hơn 1 triệu người), nợ vay từ thời xây dựng hòa bình
và thời kỳ chống Mỹ (khoảng 1,5 tỷ NDT, vừa qua dịp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh
đi thăm Trung Quốc, Trung Quốc đã xóa bớt cho ta còn 420 triệu NDT), những phụ
nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp lấy chồng sinh con đẻ cái (do bị dụ dỗ và do cả
tự nguyện) hiện còn đang sinh sống nhiều nơi trong Trung Quốc (chưa có con số
thống kê cụ thể, nhưng không ít hơn mười mấy vạn người). Khi muốn gây chuyện
và gây sức ép, Trung Quốc không thiếu con bài để sử dụng.
Trung Quốc không còn chung ý thức hệ
với Việt Nam.
Họ không còn tinh thần quốc tế vô sản, “Đồng chí” đối với họ chỉ là mỹ từ dùng
để lừa gạt những ai nhẹ dạ. Cần nhớ là trong thời gian qua Trung Quốc chưa
giúp được nước nào phát triển cả.
Những người lãnh đạo Trung Quốc và ban
tham mưu của họ là những bậc thầy về lợi dụng mâu thuẫn. Về chính trị, kinh tế,không bao giờ họ chỉ sử dụng một con bài, một phương án, họ luôn có con bài
dự trữ. Nên ghi nhớ câu nói của người Trung Quốc: “Người tốt với ta một, ta
tốt với người mười. Người xấu với ta một, ta xấu với người một trăm” và “Ta thà
phụ người chứ không bao giờ để người phụ ta” (Ba cuộc chiến tranh biên giới với
Ấn Độ, Liên Xô và Việt Nam, Trung Quốc đều bất ngờ “ra tay trước”).
Mặc dù Trung Quốc đang tồn tại nhiều
vấn đề, sự phát triển không đều giữa các vùng, nông dân, nông nghiệp, nông thôn
chưa xử lý tốt, chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng, vấn đề dân tộc, tôn
giáo đang âm ỉ, nhưng nhìn chung xã hội Trung Quốc đang trên đà phát triển ổn
định. Khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Quốc” xây dựng một xã hội hài hòa đã thấm sâu
vào lòng người, với tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” Đảng cộng sản Trung Quốc
còn có thể duy trì được sự lãnh đạo của mình trong nhiều năm nữa (vì Đảng này
đang tự thay đổi về nhiều mặt tư tưởng, lý luận, tổ chức, chính sách..) vì vậy đừng
đặt ảo tưởng vào việc Trung Quốc xảy ra động loạn lớn hay quay trở lại con
đường đồng chí anh em với ta.
III.Một
số đề nghị và đối sách
A. Những điều kiện không thể
thiếu cho những chính sách và đối sách cụ thể
(1) Nội bộ trước hết là ban lãnh
đạo cao nhất, phải có sự đoàn kết nhất trí cao, xin dùng câu nói của Trần Hưng
Đạo khuyên vua Trần, trước khi ngài mất để khái quát “Trên dưới đồng lòng, vua
tôi hòa thuận”. Khó lại có thể có nổi, nhưng vẫn ao ước được một phần của thời
Bác Hồ, tuyệt đại đa số nhân dân đồng lòng đánh Mỹ, tin tưởng vững chắc ở sự
lãnh đạo của Đảng và của Bác, trong nội bộ lãnh đạo cao nhất dù có bất hòa, bất
đồng, nhưng vẫn có thể nói công khai và chưa dám hoặc chưa thể tìm cách triệt
tiêu nhau, làm hại nhau, kéo bè kéo cánh... Vì vậy đã tập trung được trí tuệ
cao nhất của toàn dân, toàn Đảng vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược.
Còn bây giờ suy nghĩ của người dân vừa
phức tạp, vừa phân hóa mà lãnh đạo chưa tìm được nhân tố nào để liên kết lại
tạo thành sức mạnh. Ở đây có khó khăn là chúng ta đang từ nền kinh tế kế hoạch
tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều vấn đề cũ
đòi hỏi phải giải quyết, nhiều vấn đề mới xuất hiện mà chúng ta chưa đủ kinh
nghiệm và bản lĩnh để xử lý .. (thế nhưng, bài học Trung Quốc giương cao ngọn
cờ “chấn hưng Trung Quốc”, “dân giàu nước mạnh” trong quyết sách những vấn đề
đối nội, đối ngoại rất để chúng ta suy nghĩ).
Trong tình hình hiện nay, chỉ cần bị
chụp cái mũ “phá hoại tình hữu nghị Việt-Trung” hoặc “Thân Mỹ” là nhiều sự việc
đã được giải quyết một cách gọn ghẽ, và sinh mạng chính trị có thể bị đe
dọa.
Không có một ban lãnh đạo đoàn kết nhất trí, tập trung được tinh
hoa của dân tộc thì mọi kiến nghị về chính sách, đối sách cũng chẳng có tác
dụng gì. Nhìn lại lịch sử, mỗi khi nội bộ nước ta lục đục, triều chính
đồi bại, chính là lúc phong kiến phương Bắc tăng cường sức ép, yêu sách và tiến
hành xâm lược, chiếm đóng. Và Trung Quốc hiện đại cũng chưa bao giờ từ bỏ
tác động vào nội bộ ta.
Trong quan hệ giữa nước lớn và nước
nhỏ, nước nhỏ ở thế bị động. Lực lượng nghiên cứu Trung Quốc ở nước ta
hiện nay không ít, nhưng phân tán, rời rạc, thiếu chuyên gia đầu đàn, thiếu
chuyên gia giỏi cho từng lĩnh vực. Cần có sự tổ chức, phân công, chính sách
thích hợp để tập hợp được tinh hoa, giành chủ động trong thế bị động với Trung
Quốc.
(2) Nói chung, chúng ta phải kiên quyết
bảo vệ những nguyên tắc lớn, những vấn đề đụng chạm đến chủ quyền, đến sự tôn
nghiêm của dân tộc, trong khi xử lý quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng
ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, hiểu rõ vai trò và sĩ diện nước lớn
của họ để tùy từng vấn đề, vụ việc mà có khi phải vuốt bụng nhịn, nhường họ
trong một sự việc nhạy cảm cụ thể nào đó, thậm chí có khi phải tránh đường
hoặc đi đường vòng, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” mà. Cần hết sức lưu ý là đừng
để bao giờ lâm vào cảnh mình là người đối đầu duy nhất với Trung Quốc.
(3) Chúng ta tôn trọng Trung Quốc, hiểu
rõ sức nặng nước lớn – láng giềng của họ – nhưng không vì thế mà chúng ta phải nơm
nớp sợ họ, lùi bước trước sức ép của họ một cách bị động, thậm chí nhượng bộ họ
một cách vô nguyên tắc.
Cần phải thấy rằng Trung Quốc không thể
ép chúng ta, đối xử với chúng ta một cách quá mức để Việt Nam phải ngả sang với
Mỹ. Nói giả dụ một nước Việt Nam “thân Mỹ” hùng mạnh, ở ngay biên giới phía Nam
của Trung Quốc, án ngữ biển Đông (nơi 21/39 đường hàng hải Trung Quốc phải đi
qua) sẽ ảnh hưởng tới an ninh của Trung Quốc như thế nào. Hơn nữa, mục tiêu dài
hạn của Trung Quốc là trở thành siêu cường. Siêu cường không thể không có đồng
minh thân cận (như Mỹ với Anh), Trung Quốc hiện nay chưa có đồng minh thân cận
(Bắc Triều Tiên không được Trung Quốc coi là đồng minh tin cậy) do đó Trung
Quốc không thể từ bỏ ý đồ lôi kéo Việt Nam. Ngoài ra trong đối xử với Trung
Quốc, chúng ta còn có các nước trong khu vực, một số nước lớn khác, nhiều nước
đang phát triển... nên ngoài sức mạnh bản thân, chúng ta còn có sự ủng hộ của
loài người tiến bộ và cả “cái thế” lựa chọn nữa. (Nói như vậy không có nghĩa là
chúng ta ngả hẳn về một phía để chống Trung Quốc).
(4) Trung Quốc là một nước đi tắt đón
đầu tốt nhất, sẽ hoàn thành hiện đại hóa trong thời gian lịch sử tương đối
(khoảng 100 năm). Trung Quốc là nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập
trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tương đối thành công, do
vậy có nhiều điều chúng ta có thể học tập, rút kinh nghiệm từ họ (ngay cả với
những vấn đề không thành công). Tuy vậy cần tránh hai khuynh hướng; cho rằng
cái gì của Trung Quốc cũng hay hoặc ngược lại cho rằng Trung Quốc chẳng có gì
đáng học cả, để tránh bắt chước một cách mù quáng hoặc bài xích.
B. Một số kiến nghị về đối sách
và chính sách
Trước khi nêu một số vấn đề cụ thể, xin
tóm tắt những điều đã nói ở trên: “Trung Quốc là một nước láng giềng lớn mạnh
và ngày càng hùng mạnh hơn nữa. Giữa họ và ta còn tồn tại nhiều vấn đề (có vấn
đề rất phức tạp, gay cấn), họ có tham vọng lớn với ta về cả lãnh thổ, chính
trị, kinh tế. Chúng ta cần tôn trọng, nhân nhượng với Trung Quốc trong những vụ
việc có thể nhân nhượng được. Quyết không đi với nước khác hay nhóm nước khác
chống lại Trung Quốc và không bao giờ để rơi vào thế một mình đối đầu với Trung
Quốc, nhưng quyết không khiếp sợ họ, lùi bước hoặc từ bỏ những vụ việc không
thể từ bỏ được. Nội bộ chúng ta đoàn kết nhất trí, tập trung được sức mạnh và
trí tuệ toàn dân, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực
và trên toàn thế giới, lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt là bảo đảm vững chắc cho
mọi ứng xử đã, đang và sẽ xảy ra trong mối quan hệ hai nước”.
(1) Vấn đề biên giới lãnh thổ
Ngày 30/12/1999, hai nước ký Hiệp ước
biên giới trên đất liền (có hiệu lức từ ngày 6/7/2000). Đến nay hai bên đã cắm
được 400 cột mốc biên giới. Tốc độ cắm như vậy là chậm (theo tính toán sẽ có
khoảng 1.100 cột trên hơn 1300km đường biên). Hiệp định đã được ký và đã có
hiệu lực, thiệt hơn khó có thể sửa được, vì vậy chúng ta không nên kéo dài
thời gian cắm mốc (bởi vì nước yếu hơn bao giờ cũng phải chịu phần thua
thiệt, nhất là khi sự đã rồi). Qua việc ký kết Hiệp ước biên giới giữa Trung
Quốc và Mông Cổ, Lào, Miến Điện, thấy nói chung Trung Quốc tôn trọng đường biên
giới đã ký (cũng có thể mấy nước này không có vấn đề gì gay cấn với Trung Quốc,
nên họ không dùng vấn đề biên giới để gây sự...), tuy vậy có cái rõ ràng để làm
cơ sở đấu tranh sau này còn hơn là không có.
(a) Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và
Hiệp định hợp tác nghề cá
Ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ
ngày 30/2/2004. Nói chung ký được bây giờ còn hơn sau mới ký. Tuy vậy thời hạn
của vùng đánh cá chung để hơi dài (12-15 năm), Trung Quốc sẽ triệt để lợi dụng
thời gian này để khai thác và gây sự. Tàu ta bé, lưới ta nhỏ hơn, phần thua
thiệt đã rõ, oán trách lẫn nhau cũng không xoay chuyển được tình hình, nếu
không vươn lên ngang ngửa với họ (một cách đúng luật) thì đành chấp nhận. Việc
thăm dò khai thác tài nguyên trong lãnh hải thuộc chủ quyền đã phân định của ta
trong Vịnh bắc bộ cần phải cảnh giác, đề phòng mọi khả năng có thể xảy ra.
(b) Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa
Quần đảo Hoàng Sa. Chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và Đài
Loan đòi chủ quyền quần đảo này, hiện Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng phi
pháp toàn bộ (một nửa năm 1956 và nửa còn lại tháng 1 năm 1974) và ngang nhiên
coi chúng là của mình. Ta không thể dùng vũ lực để thu hồi, nhưng không thể từ
bỏ chủ quyền. Có thể chỉ nên đòi những đảo mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay
chính quyền Sài Gòn hồi tháng 1 năm 1974, như thế vừa tỏ ra có nhượng bộ mà vẫn
có cơ sở pháp lý để thế hệ sau giải quyết vấn đề.
Quần đảo Trường Sa. Đây là nơi tranh chấp của Việt Nam,
Trung Quốc, Đài Loan, Phi-líp-pin, Brunei, Malaysia về biển đảo và Indonesia
(có thể cả Đông Timor) về lãnh hải. Hiện nay số đảo bãi ngầm mà các bên chiếm
giữ là Việt Nam21, Phi-líp-pin 8, Trung Quốc 6 và Đài Loan 1.
Chúng ta nên đòi chủ quyền một phần
quần đảo này, nghĩa là ngoài 21 đảo bãi ngầm mà chúng ta đã chiếm giữ ra, ta
chỉ đòi quyền ở những bãi đảo ngầm dọc theo bờ biển nước ta cho đến hết phần
biển Đông. Ta không phản đối Trung Quốc thăm dò khai thác ở vùng lãnh hải sát Phi-líp-pin, Indonesia v.v.. Đây không phải là
sự từ bỏ chủ quyền, việc đồng ý của Trung Quốc và Phi-líp-pin thăm dò ở vùng
thuộc biển Đông nhưng cách rất xa ta là một quyết định khôn ngoan. Từ nay nên
tránh một mình phản đối Trung Quốc ở những nơi xa tít tắp trên biển Đông, nhưng
với những cái đã có và những cái ở sát sườn mình thì quyết không nhân
nhượng.
Trong vấn đề quần đảo, Trung Quốc rất
không muốn quốc tế hóa, chính vì vậy mà chúng ta cần khôn ngoan quốc tế hóa vấn
đề, nhất là tìm kiếm sự “có mặt” của Mỹ.
(c) Trong vấn đề biên giới, biển
đảo
Chúng ta cần công khai đến mức tối đa,
tập trung được trí tuệ của toàn dân tộc. Không nên coi đó là việc làm của
riêng một số người và không ai chịu trách nhiệm cả. Cụ Phan Thanh Giản thời
Nguyễn sau khi kí hiệp ước cắt sáu tỉnh Nam Bộ cho xâm lược Pháp, đã phải uống
thuốc độc tự vẫn. Vì vậy quyết không được coi thường dư luận.
(2) Các vấn đề hợp tác kinh tế,
ngoại thương, hợp tác văn hóa, kỹ thuật v.v..
Những vấn đề nay tiến hành như thời
gian qua là tương đối tốt, ngoại trừ tệ nạn buôn lậu và thu hút đầu tư của
Trung Quốc chưa được nhiều.
Chúng ta đều biết, tháng 5 năm 2004,
thủ tướng Phan Văn Khải thăm Trung Quốc và tháng 10 cùng năm, thủ tướng Ôn Gia
Bảo thăm Việt Nam. Qua hai chuyến thăm đó, hai bên đã xác định hợp tác; Hành
lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hành lang Côn Minh
– Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (mà theo ý tưởng
của một học giả Trung Quốc, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ gồm 10 tỉnh, thành phố
sau đây của Việt Nam: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với diện tích 58.452 km
vuông và 16,8 triệu dân, còn phía Trung Quốc chỉ gồm: cảng Phòng Thành, Khâm
Châu, Bắc Hải, Ngọc Lâm của tỉnh Quảng Tây và Trạm Giang, Mạo Danh thuộc tỉnh
Quảng Đông, và Tỉnh Hải Nam với diện tích 113.876 kilômét vuông và 39,8 triệu
người).
Ngoại trừ Trạm Giang và Mạo Danh thuộc
tỉnh Quảng Đông là vùng duyên hải khá phát triển của Trung Quốc ra, hai tỉnh
Vân Nam và Quảng Tây thuộc vùng phát triển trung bình kém của Trung Quốc (theo
số liệu của Ngân Hàng Thế Giới năm 2000, bình quân đầu người GDP tính theo
trình độ sức mua (PPP) của Quảng Tây đứng thứ 155 trên 206 nước và khu vực trên
thế giới, còn Vân Nam là 149/206), nói một cách khác là sự phát triển của họ
không cao hơn Việt Nam bao nhiêu.
Tài liệu tham khảo
1/ Báo cáo chính trị tại Đại
hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 16, năm 2002.
2/ Báo cáo công tác của Chính
phủ Trung Quốc tại kỳ họp Quốc Hội tháng 3 năm 2005.
3/ “Đại chiến lược Trung Quốc”
năm 2002.
4/ “Báo cáo vấn đề Trung Quốc”
năm 2001.
Và một số chuyên đề, đề
tai về Trung Quốc mà tác giả đã viết hoặc tham gia.
(*) Nguyên là viên chức nhiều thập kỉ trong ngành
ngoại giao Việt Nam.
Trước khi về hưu năm 1996, ông là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung
Quốc). Tất nhiên mọi nhận định, ý kiến trong bài này là của riêng tác
giả, hoàn toàn độc lập với quan điểm chính thức hay không chính thức của chính
phủ Việt Nam, hiện tại cũng như trong quá khứ.